Nơi giao lưu của Cựu học sinh Trần Cao Vân Tam Kỳ Quảng Nam Khóa 75-78. Nơi xả stress sau một ngày làm việc căng thẳng. Nơi 8&8

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Mình được một người bạn ặng cho tập thơ của anh, mới xuất bản, nhẩn nha đọc và phát hiện là có nhiều bài hay, rất thơ và có tính tư tưởng, mình thấy thích và viết vài cảm nhận. Không phải mình PR cho tác giả đâu, nếu có thể các bạn thử tìm đọc TỪ VẦNG TRĂNG MƯỜI SÁU của Cao Xuyên, NXB Thanh niên-2012.
Xin được chia sẻ cùng các bạn bài viết:


Vài cảm nhận khi đọc
 “TỪ VẦNG TRĂNG MƯỜI SÁU” của Cao Xuyên.*

            Tôi đã từng là một “nông phu”, vì vậy đọc tập thơ của một “nông dân”, tôi thấy một chút gần gũi. Dù vậy qua tập thơ này tôi phát hiện chất “Sỹ phu” ngời lên trong từng ý thơ…Và tôi có 3 nguyên tắc thầm nhăc chính mình trong câu chuyện thơ này:
Một là: không xoa bóp tác giả như những cách thường gặp đâu đó trên tạp chí, sách báo lâu nay vì như thế với tính cách “sỹ phu” tác giả sẽ không cho phép, nên tôi quyết không như vậy, không bị câu thúc bởi bất cứ lý do gì, vì bợ đở phỉnh nịnh không khác một kẻ xài bạc giả -như một tác giả nào đó đã nói.
Hai: không khen tác phẩm, bởi nhà thơ Trụ Vũ đã khen trong lời giới thiệu ở đầu sách, một lẻ khác tôi xin dẫn ra đây lời của một thi sỹ đời Tống-Lý Chi Lai” Ở đời có 3 việc đáng tiếc: Thứ nhất lớp thanh niên ưu tú bị hư hỏng bởi một chế độ giáo dục sai lầm; thứ 2 những cánh trà ngon bị hao phí quá nhiều vì những bàn tay bất tài vày vò; thứ 3 : Những tuyệt tác bị mất giá trị bởi những kẻ phàm phu tục tử tán thưởng…Mà tôi thì cũng chẳng khác gì đám phàm phu tục tử kia nên không dám khen láo.
Ba là phê bình ( ở một nghĩa nào đó) tôi không đủ vốn liếng chữ nghĩa và kỹ thuật để chẻ sợi tóc làm tư làm tám như các nhà chuyên môn vì vậy coi như tôi không làm điều này…
Ở đây tôi chỉ nói lên vài chút đồng cảm với tác giả trong một số tứ thơ mà thôi. Chắc trong chúng ta không ít người đã đọc: “ Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ…”( ta có một tấc lòng không biết ngỏ cùng ai) của cụ Tiên Điền, ở đây Cao Xuyên cũng thế không biết ngỏ cùng ai nên “ngỏ” bằng thơ- tôi nghĩ như thế, nhưng như mọi người đều biết ngoài chức năng “ minh đạo, tải đạo…”Thơ còn có một chức năng rất dễ thương là làm cầu…thật vậy nhà thơ Trần Ninh Hồ đã viết như thế này:
            “ Thơ là chiếc cầu bơ vơ
            “ Mà nghìn năm vẩn ngóng chờ người sang…”
Theo tôi nghĩ nó đúng với rất nhiều trường hợp là những bài thơ được sinh ra bởi những nhà thơ chân chính hay nói một cách hoa mỹ là “ có kim bản vị..”Thật vậy các tác phẩm đều muốn tận hiến, đều muốn làm một chiếc cầu nối liền đôi bờ thương mến giữa thơ - người thơ và người đọc thơ, người thơ luôn mong ngóng có người đi sang, được phục vụ vô điều kiện, ôi những bài thơ, những người thơ thật đáng yêu biết bao!, khi mỗi câu thơ là tâm tình hiến dâng ( Thơ Tagore) và tôi nghĩ Cao Xuyên cũng không ngoại lệ -muốn làm chiếc cầu nối đôi bờ đơn chiếc. Trong tập “ Từ Vầng trăng mười sáu” dễ thương này ta có thể đọc xong trong bao lâu là tùy mỗi người, có thể đọc xong tập thơ trong vài chục phút, vài tiếng, vài ngày …hay vài tháng, nói theo từ ngữ chuyên môn là trong nó có chứa một hàm lượng thơ lớn và một khía cạnh nào đó nó cũng không dành cho đám đông, vì nó thường có double code (song mã), về hình thức cấu trúc bốn(4) câu có lẻ không mới so với thơ truyền thống, nhưng nội hàm nếu qui chiếu với trào lưu “hậu hiện đại” nó vẩn có phần…
Ta thử đọc một số bài trong 81 bài 4 câu:
-Giọt mồ hôi An Tiêm
Thắng trùng trùng bão tố
Giọt mồ hôi An Tiêm
Nhịp cầu dưa hấu đỏ.
Thật vậy giọt mồ hôi mặn chát của gã nông phu An Tiêm, hay giọt mồ hôi chát mặn của Hoàng tử An Tiêm khuất phục trùng trùng bão tố…hay chiến thắng chính mình để những quả dưa “xanh vỏ đỏ lòng” làm nhịp cầu thơm thảo nối đôi bờ tin yêu thương mến.
Thơ với ai đó có thể là một phương tiện hoặc họ đặt để cho thơ một cứu cánh nào đó, nhưng với Cao Xuyên tôi nghĩ trong đời sống của anh và từ “ Vầng trăng 16” không ít lần”ngả lòng” anh phải vịn câu thơ mà đứng dậy ( Thơ Phùng Quán), song ta vẩn thấy toát lên cái lạc quan nhi nhiên của tác giả: 
                                    “ Ông nông dân thi sỹ.
                                     Ngồi viết bài thơ tình
                                     Chữ sặc mùi rơm rạ
                                    Mà sao hồn long lanh.”
Như thể ta thấy tác giả không dụng công làm thơ vì thiên nhiên đã là thơ rồi:
                “Sẳn bài ca chim hót
                                                   Sẳn làn hương hoa ngát
                                                  Sẳn niềm yêu tôi khóc
                                                  Và thế giới đăng trình”
Đôi khi ta có cảm giác Cao Xuyên lấy thơ ra từ túi áo ngực trái, hoặc lấy ra tự đất trời không chút dụng công:
                           ” Những đốm lữa trên cành
                            Hoa lựu gởi về anh
                           Ồ chùm thơ nắng Hạ
                           Thơm thảo chút duyên lành.”
Hoặc:
            “ Cành khô trắng cánh cò
            Chiều sông lạnh câu hò
            Bác tiều phu xuống núi
            Thế là thành thơ cho.”
Và ở đây ta thấy được một nông thôn Việt Nam dầy tính ảnh viện và tính thơ:
            “Sương lưng lưng bờ dậu
            Chiều tàn trên đọt cau
            Dáng gầy cô thôn nữ
            -về muộn tóc cài sao”, thật là một khuôn hình đẹp và sang trọng biết bao, một khuôn hình mà nhà chụp ảnh nào cũng ao ước. Từ ngạc nhiên này đến cái dễ thương khác…nhưng cũng rất “triệt nghĩa” Thiền: 
                                               “ Quì gối giữa Phật đường
                                                Lạy Ông Phật dễ thương
                                                Như ngàn năm vẩn lạy,
                                                Mùi hoa cau trong vườn.”. Với người thơ, ông Phật – Vị Đạo sư tót vời của cõi Trời - Người kia( Theo thế giới quan Phật giáo), thực sự là vị cha lành chung bốn loại ( Hóa sanh, thai sanh, noãn sanh và thấp sanh)…và đức Phật gần gũi biết bao nhiêu, tự nhiên như mùi hoa cau trong vườn, tác giả đã vượt qua biên kiến tôn giáo, ý thức hệ…:
                                                “ Em là con Thiên Chúa
                                                 Anh là con Phật Đà
                                                Mình kết hôn đi nhé
                                                Phật-Chúa thành sui gia.”, cũng ở đây mỗi người gặp lại chính mình trong thơ Cao Xuyên hình ảnh thân thuộc xưa cũ và thoáng chút đạo vị:
                                                “ Ngồi đóng đinh quán cũ
                                                Phố phơi đầy xác Thu
                                                Guốc phơi dòn kỹ niệm
          Thoáng ba ngàn kỳ khu
                                  Hoặc:
“Tiền kiếp nào xa xuôi
  Em về trả nợ tôi
  Cái nợ tình lắt léo
 Trả là vay mất rồi.”
Như bao nhiêu người Thơ khác, Cao xuyên cũng dành một thời lượng lớn cho lao động thơ, suy tư thơ về tình yêu lứa đôi, thoạt đọc ta sẽ bật cười cho sự dối lòng đáng yêu này”
                                                “ Chẳng có ai thất tình
                                                  Tình yêu làm sao mất
Và Cao Xuyên lại tự dỗ dành mình:
                                                “Nó ẩn trong tim mình
                                                 Để nuôi bền nhịp đập”. Mà đúng vậy những thứ người đời cho là “được” và “mất” đó chỉ là sự đắp đổi và tình yêu chân thành sẽ lặn sâu vào tim mình làm cho ta vững vàng hơn, nuôi bền trong ta tình yêu cuộc sống…
            Ở một góc khác chúng ta gặp trong thơ Cao Xuyên sự bùng cháy thôi thúc còn ẩn chứa trong trái tim mình câu hỏi:- Ta về đâu?!
                                                “ Hai mươi năm đất cũ
                                                  Chìm trong chuyện đời thường
                                                 Thoáng EM về một tối
                                                 Bỗng thấy mình- Tha hương”, đại từ EM ở đây là một thứ Double code rất thú vị… Tuy nhiên ta thấy tác giả cũng điêu linh như bao đôi lứa khác”
                                                “ Hạt lệ thằng chăn trâu
                                                 Rơi xuống thành mưa ngâu
                                                 Giờ đã là tháng bảy
                                                 Mưa đầy trời – Em đâu?”
                                    Hoặc:
                  “ Có cơn mưa trái mùa
                                                 Rạc rài qua phố nhỏ
                                                 Có cuộc tình trái gió
                                                 Khiến lòng ai trở trời”
                                    Hay:
                                                “ Cô sơn nữ vai gầy
                                                  Gùi sương hồng xuống phố
                                                  Má cô tương ánh hồng
                                                  Sõi ven đường nín thở”
 Sõi bên dường nín thở hay người thơ nín thở ?.
            Qua 81 bài thơ, tác giả đặc biệt dành sự cảm thông và kính trọng cho những “mẫu thân”-(chữ của thi sỹ Bùi Giáng). Người phụ nữ qua thơ anh là sự kính trọng, trân trọng, cảm thông và yêu thương…, những người ấy là Mẹ, là Chị, là Vợ, là người Yêu, là những người Em  mà Cao Xuyên thương yêu quí trọng thật lòng chứ không phải chỉ bằng khẩu hiệu của những ngày lể về phụ nữ. Tác giả thấu thị được sự yêu thương vô bờ của những người Mẹ Việt Nam đầy thương kính trong tình tự dân tộc không biên kiến về ý thức hệ qua chiến tranh:
                        “ Ngoài kia chiều tím ngắt
                          Mẹ thắp hương bàn thờ
                         Đứa nón sắt – nón cối
                         Thêm một ngày bơ vơ.” Mẹ lại một lần nữa lo cho linh hồn những đứa con của mình bơ vơ, mà không biết là chính mình đang bơ vơ vì những đứa con của 2 chiến tuyến đã  mất đi vì chiến tranh…và Cao Xuyên cũng cho chúng ta thấy cái vỹ đại của Mẹ ở một góc khác:
Chỉ một túp chùa cỏ
            Đuốc Tuệ làm linh thiêng
            Chỉ một vành nôi nhỏ
            MẸ cho con Thiên đường.”. Ôi! Với tình yêu rộng lớn, Mẹ trở thành người có pháp thuật và quyền thuật dễ thương…
Thuở còn nằm nôi ( dụng cụ bằng tre này đã mất dần trong thế kỷ 21) ai trong chúng ta không nghe câu ca Mẹ hát: “ Đói lòng ăn nữa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương…”và hình ảnh này lại một lần nữa Cao Xuyên đã đưa chúng ta tới một khung trời thật cảm động khiến ta nín thở vì xúc động bởi sự chân thành:
                                                “ Lại về đồi sim cũ
                                                 Nữa trái cho no thèm
                                                 Nữa trái đặt lên mộ
                                                 Dâng hồn em khôn thiêng” Ở đây ta thấy bóng dáng của nhà thơ Hữu Loan, với đồi sim cũ và người vợ vắn số..có thể Cao Xuyên thay lời Hữu Loan chăng…?
Lẫn trong những xúc cảm lãng mạng, ta còn nhận thấy ý thức công dân hay ý thức của một “ sỹ phu” trong tác giả: nhất là với những những cuộc đời luân lạc bất hạnh, Cao Xuyên dành cho họ sự cảm thông rất mực:
                                                “ Lấy Hiếu để làm trinh
                                                  Kiều ơi! Em đã chọn
                                                 Mười lăm năm điêu linh
                                                 Đóa ưu đàm nở rạng”
 ( Theo truyền thuyết Phật Giáo: hoa Ưu đàm ba ngàn năm mới nở một lần)
                                    Và:
                                                “ Nguyễn Du đưa em về
                                                 Em bây giờ rất Việt
                                                Lấp lánh hồn sao Khuê…”
Hoặc người phụ nữ ở bến Tầm Dương của xứ Trung Hoa xưa cũ kia:
                                                “ Trong thinh lặng hồn mình
                                                   Bỗng cồn lên tiếng sóng
                                                  Tiếng xé lụa Tầm Dương
                                                  Nghìn xưa còn đồng vọng”
Hay những thân phận hồng nhan đa truân ở thế kỹ 21 của xứ sở mình:
                                                            “ Vứt em vào luân lạc
                                                              Chưa kịp dấu yêu đầu
                                                              Thương cỏ đồng hoa nội
                                                             Son phấn- hãi hùng đau…”
            Xuyên suốt 81 bài thơ, một pháp số mà có lẽ tác giả đã dụng công không ít…ta còn thấy hình ảnh hoa cau như một loại quốc hoa tượng trưng cho sự gắn kết thủy chung thân thuôc với đại đa số người Việt Nam mà anh hay nhắc tới: “Như ngàn năm vẩn lạy. Mùi hoa cau trong vườn.” hay “ Chiều tàn trên đọt cau…”. Đây có lẽ là một ám ảnh lớn của tác giả?.
            Xưa nay hình như các tác giả lớn thường cố gắng chỉ ra cái “thường” và “ vô thường” của nhân sinh, theo như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì: - Nghệ thuật nào cũng vậy, nó sẽ chẳng là gì nếu nó không góp phần truyền đến con người ta sự sống đang sôi động ngoài kia về cái “đang là” buộc họ tìm đến ý nghĩa của cuộc sống đang sôi động đó, để xác định vị trí của mình và bật lên câu hỏi: “ Ta là ai?...
 Qua : Từ vầng  trăng mười sáu dù là tụng ca, bi ca, hay bình ca…ta đều thấy mầm sống mạnh mẽ nhú lên từ cay nghiệt cuộc đời, và về đâu? Luôn ẩn chứa giữa 2 giòng chữ::
“ Khô lạnh như ngọn giáo
                        Tháp chàm vươn lên trời
                        Hồn chàm vươn đá sõi
                        Hoa xương rồng nở tươi”
Hoặc:  
            “ Tiền kiếp nào xa xuôi
   Em về trả nợ tôi      
  Cái nợ tình lắt léo
Trả là vay mất rồi”
Và:
       “ Kẻ đến còn ngập ngừng
        Người đi chừng tiếc nuối
       Tình chia ngã ba sông
       Con đò nào chết đuối”
Hay:
                        “Từ tiếng khóc chào đời
  Đến nấm mộ im hơi             
  Ba vạn sáu dâu biển
 Thơ mãi là thơ thôi”
Thơ chỉ mãi là thơ thôi, và chúng ta cứ đuổi mãi đến vô cùng…có chăng …mua vui cũng được một vài trống canh( Kiều-Nguyễn Du). Tác giả lại dùng đại từ ngôi thứ hai: EM để xâu chuỗi suy tư mình :           
                                “Lệ nồng mặn em ơi!
                                Đêm đêm lần tràng lệ
                               Tụng câu thơ nụ cười
Và sẽ chẳng là gì nếu như sự tận hiến của người thơ không xao động một chút trên mặt hồ yên lặng của sự kiêu ngạo và vô tâm:
            “Coi như là trớt quớt
                                Bài thơ viết bao đêm
                               Bao lửa lòng đã đốt
                              Chẳng nhen hồng má em.”
Với góc nhìn của một độc giả “sính” thơ, ghi ra vài cảm nhận, dù sai dù đúng thì cũng là tấc lòng dù tấc lòng cạn cợt không thấu đáo bao nhiêu sự đời, sự người, sự thơ…! Xin cám ơn tác giả đã cho tôi được đọc một tập thơ  gợi mở nhiều chiều kích cuộc sống và sang trọng
(không phải sang trọng về hìn h thức)
                                                                 BR-VT, Trọng Xuân Nhâm Thìn 2012
                                                                              NGUYỄN VĂN BIÊN



* Tập thơ TỪ VẦNG TRĂNG MƯỜI SÁU – Cao Xuyên NXB Thanh niên 2012





4 nhận xét:

  1. Đọc bài nào của Nguyễn Văn Biên cũng đã.....................

    Trả lờiXóa
  2. Riêng tặng NVB:

    Từ vầng trăng mười sáu
    Ta xin làm gió mây
    Ru đời nhiều tục lụy
    Vàng vạc ánh trăng trong

    *** *** ***

    Thơ là đạo hay đời
    Chiều về đây phố vắng
    Khung cửa hẹp rã rời
    Từ độ ánh trăng tan

    *** *** ***

    Ừ! Em tuổi mười sáu
    Trăng đẹp như tình đầu
    Sương ban mai rớt hạt
    Nhỏ giọt còn trinh nguyên

    *** *** ***
    Mơ hoa trăng mười sáu
    Mười sáu trăng rất tròn
    Nhưng hồn ta nghiệt ngã
    Em có biết không em?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    2. Cám ơn PMH đã ưu ái tặng mình bài thơ. Vầng trăng mười sáu đã cho PMH và chúng ta nhiều cảm xúc...Thơ là "đời" nhưng cũng là "đạo"...ở một nghĩa nào đó trăng sẽ không tan trong tâm tưởng, khi lòng ta luôn có một nụ trăng viên mãn của vầng trăng 16...Đến đây mình lại lan man nhớ đến một tác giả tiền bối là Trần Dzạ Từ cũng có cảm xúc rất đẹp về vầng trăng 16 xin chia sẻ cùng bạn: " Em mười sáu tuổi trăng mười sáu- Mười sáu trăng chờ em biết không...Ta dối lòng ta bao nhiêu lần-Bao nhiêu lần trăng vẩn là trăng- Lòng nhớ lòng thương lòng sắp khóc-Đêm chưa tàn đâu đừng nói năng?" Ở cùng một " tôn giáo" nên dễ gặp nhau là vậy đó dù không cùng thế hệ. Một lần nữa thâm tạ PMH về bài thơ...mong bạn vui và nhớ mãi trăng 16...

      Xóa