Mẹ nói tôi được sinh ra tại Điện Bàn, Quảng Nam vào ngày 25
tháng 7 năm Canh Tý (1960). Nhưng ký ức về nơi sinh hoàn toàn mù mờ. Tôi chỉ
nhớ được một mảnh vá víu nhỏ của một lần đi tắm biển Cửa Đợi (Cửa Đại), mà tôi
chỉ được chập chửng trên bờ. Cái ký ức mơ hồ xa lơ lắc mà cũng làm tôi yêu Hội
An tha thiết!
Điều tôi nhớ rõ hơn là những năm tháng sống tại Hà Lam -
Thăng Bình.
Nhớ quán hớt tóc ông Hai Khải, cái tông đơ mỗi lần cắt cũng
làm đau nhói khi dứt những sợi tóc chưa đứt, tôi đâm sợ hớt tóc từ khi còn nhỏ.
Nhớ thầyThiện già già dạy tiểu học với cái răng vàng cười
cười mà tôi sờ sợ, nhớ cái lớp học lơ thơ học sinh. (lúc đó chị tôi học, còn
tôi lẻo đẻo theo thôi). Con đường dẫn vào lớp học của thầy Thiện (lớp học hay
trường học gì cũng được, vì chỉ có một phòng thôi, không có khuôn viên, thầy
cũng là hiệu trưởng, hiệu phó luôn) hai bên hàng tre um tùm, mà phía bên kia
hàng tre như chứa những gì bí ẩn lắm. Vâng, hình như bên kia hàng tre là một
thế giới cổ tích nào đó, nó gợi lên trong tôi biết bao tưởng tượng mong muốn
khám phá. Nhưng tuổi thơ tôi không có dịp để vượt qua khỏi hàng tre đó bởi cơn
bão năm 1964 đã xoay đời tôi vào một hướng khác. Mãi sau nầy về lại thăm quê
mới biết rằng bên kia hàng tre cũng chỉ là vườn nhà của những người trong làng.
Thật như Nhất Linh đã tả trong Đôi Bạn “Núi non bộ với những kẻ chăn
trâu, những ngôi chùa, những tiều phu bằng đất nung, chàng không thấy có gì là
thần tiên nữa, có vẻ ngờ nghệch vụn vặt trẻ con”.
Nói đến chị tôi, tôi vẫn còn nhớ một kỷ niệm vụn vặt, đơn
giản, nhưng rất dễ thương. Lúc đó tôi còn nhỏ, đi chơi theo chị và một người
bạn của chị tên Mười vào nhà ngoại tôi chơi (trẻ nhỏ nào cũng thích vào nhà
ngoại tôi vì có một cây thị trái rất thơm, tiếc rằng tôi chưa bao giờ được gặp
nàng Tấm). Nhà ngoại tôi có nuôi một con chó Bẹc giê (becgie) to lớn nhưng rất
hiền. Ba người vào ngỏ khoảng 15 hay 20 mét gì đó tôi không đoán rõ, thì con
chó Bẹc giê chạy ra sủa. chị Mười quay người bỏ chạy, chị tôi chạy theo nói :
“đừng chạy không răng (ren) mô”, con chó đuổi theo. Vì chị tôi chạy sau nên chó
đớp một phát. Kết quả là cái mông chị tôi “không răng mô” in bốn vết. Sau nầy
lúc còn nhỏ, mỗi lần chị bịnh, y tá chích thuốc, tôi cũng len lén nhìn thử bốn
vết răng còn hay mất - vẫn còn trông như một bông hoa 4 cánh. Bây giờ 50 năm
qua rồi chẳng biết hoa ấy còn không!
Nói về tôi, ôi! tôi ngày đó ngờ nghệch, không như con nít
bây giờ. Có lần tôi bốc một nắm kẹo trong hủ thủy tinh (mẹ tôi vẫn thường mua
kẹo bỏ vào trong đó để chia cho chị em tôi) rồi rút tay ra không được,
hoảng hồn tôi khóc, mẹ bảo bỏ bớt kẹo ra thì rút được. Ôi! Kỷ niệm ngọt ngào
như kẹo.
Năm 1964, có lần trong một trận đánh vào quận Thăng Bình,
nhà tôi phải bò ra bờ hào ngoài ruộng trú đạn. Tôi ngủ thiếp trong vòng tay của
ba (tôi gọi là ba, không thích gọi là cha, từ ba với tôi thân thương lắm). Chợt
thức dậy, thấy hỏa châu, thấy đạn lửa chi chít xé trời, tôi sợ đến khóc rú. Mẹ
nói đó là chiến tranh, tôi ghét chiến tranh từ đó.
Ngày 15 tháng 9 năm 1964 (mùng 6-10,
Giáp Thìn) trận bão tơi bời giày xéo Quảng Nam. Ba mẹ ngược xuôi lo chèn cửa
chèn nhà, vì nhà tôi ở ngay trên lộ chính của Hà Lam, nhưng 3 bên đều là ruộng,
trống hoang không chặn gió. Nhưng chị em tôi lại thích vì gió mưa thật lạ,
tiếng rầm rầm, tiếng vù vù thật vui. Nhưng càng lúc gió càng thổi mạnh, mưa
càng lớn. Ba nói phải di tản vì nhà có thể bị ngã (nhà cấp 4 không sắt thép xây
nửa vôi, nửa xi măng, giữa đồng trống sao chịu nỗi). Lúc đó, tôi cũng chưa ý
thức được ngã nhà sẽ như thế nào. Nhưng biết rằng bức tranh sơn thủy lộng kiếng
có hàng tre, có dòng sông, có con thuyền treo giữa nhà sẽ bị rơi vỡ. Bình giấm
thủy tinh to 4 cạnh vuông, với những con giấm trong suốt mà mẹ và tôi thường đổ
đường và cho chuối vào để nuôi sẽ vỡ. Tôi khóc đòi tháo bức tranh xuống và ôm
hủ giấm. Rồi nhà bị tốc vài tấm tôn, ba quyết định ôm tôi và thằng em trai 1
tuổi, mẹ ôm chị chạy trong mưa bão đến nhà nội tôi cách khoảng 6 - 700 mét. Đoạn
đường ngắn vậy mà thật gian nan. Ba mẹ tôi phải nhiều lần níu gốc dương liễu
ven đường trước những trận gió xoáy, kiên tâm bảo vệ chị em tôi. Đến được nhà
nội thật hú hồn, ba mẹ mệt nhoài, bọn chị em tôi khỏe ru tiếp tục nghịch.
Nhà tôi đã ngã, tôi ghét gió bão từ
đó, nhưng không ghét mưa, lại thích những trận lụt nhỏ để được nghịch nước.
(12h25 sáng 18/4/2012 - còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét