VỤ NỮ SINH “CHỐNG PHÁ KỲ THI” BẰNG FACEBOOK: Chỉ để đọc cho vui!
Thứ Hai, 07/01/2013 18:15
(NLĐO) - Chiều 7-1, phóng viên Báo Người Lao Động tìm về nhà em Nguyễn Thanh Vy (học sinh lớp 8/6 Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Tam Kỳ - Quảng Nam) vừa bị đuổi học 1 năm do lên mạng “chống phá kỳ thi”.
Nỗi ân hận muộn màng
Khi chúng tôi đến nhà, ông
Nguyễn Duy Văn (SN 1976, ngụ phường An Sơn, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) - bố
em Vy - đang cặm cụi che chuồng gà tránh mưa. Ông Văn cho biết hơn nửa
tháng nay, ông không dám đi làm mà lo trông chừng Vy vì sợ con nghĩ
quẫn. Ngoài ra, để cho con được đi học lại theo kịp bàn bè, ông đã nhiều
lần đến trường cũng như nhà riêng của thầy hiệu trưởng xin lỗi nhưng
nhà trường vẫn tiến hành kỷ luật đuổi cháu 1 năm học.
“Tôi rất đau xót khi đứa con từ trước đến giờ liên tục đạt học sinh
tiên tiến lại bị đuổi học vì chuyện nhỏ nhặt và sự bồng bột của tuổi
trẻ. Bây giờ, tôi lấy làm hổ thẹn và xin lỗi vì lo “miếng cơm, manh áo”
mà lơ là không giám sát được hành vi sai trái của con mình” - ông Văn
nghẹn ngào.
Vy và mẹ bên góc học tập ở nhà bà ngoại
Tiếp xúc với em Vy khi em đang ở nhà bà ngoại phụ bà bán bún, em
kể: Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 12-12-2012, trong giờ giải lao 5 phút,
em đang đứng trên cầu thang thì có em Đ.N.T (học sinh lớp 7/6) đã giẫm
vào chân của em và chửi tục. Nóng giận, em có đánh T. một bạt tai để
cảnh cáo. Sau đó, T. đã gọi 2 chị ở trường THPT Lê Quý Đôn và Trần Cao
Vân lên đánh lại em trầy mặt. Nhưng nhà trường và giáo viên chủ nhiệm
của T. lại đổ thừa là em kéo bạn bè ở ngoài vào đánh T. nên em bị Hội
đồng kỷ luật nhà trường đuổi học 3 ngày.
Trong thời gian bị đuổi học, ở nhà buồn quá nên em lên mạng và tình
cờ thấy nội dung của bài “Tuyên ngôn học sinh trường THPT Thái Phiên 10
C1” huyện Thăng Bình trên Facebook với nickname Hưng Võ. Em đã copy bài
đó xuống và thay thế Trường THPT Thái Phiên thành trường THCS Lý Tự
Trọng của mình.
Đến ngày 17-12, em mới đưa lên mạng và bị nhà trường phát hiện. Sau
đó, có nhiều bạn trong lớp cũng copy và đưa lên Facebook của mình. “Em
nghĩ người khác đã đưa tràn lan lên như vậy thì mình đưa lên mạng cho
các bạn đọc cho vui, chứ không nghĩ là phá rối kỳ thi, xúc phạm thầy cô
của trường” - Vy nghẹn ngào nói.
Xử lý để làm gương?!
Ông Nguyễn Tấn Sĩ, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, khẳng định
hành vi của Vy đã vi phạm đến Điều lệ Trường THCS mà Bộ GD-ĐT quy định.
Em Vy thừa nhận bài viết trên là của mình nhưng được một chị học sinh
lớp 12/10 Trường THPT Phan Bội Châu ở TP Tam Kỳ cho nick name để phát
tán và xuyên tạc.
Bản “Tuyên ngôn học sinh trường THPT Thái Phiên 10C1” huyện Thăng Bình
trên Facebook với nickname Hưng Võ mà Vy đã cóp lại sau đó thay đổi tên trường mình vào.
Ngoài ra, ông Sĩ còn nhấn mạnh quyết định của trường để làm gương
cho học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng nói riêng và học sinh cả nước nói
chung khi dùng mạng xã hội Facebook vào mục đích sai lệch đi ngược lại
thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Để không kỷ luật oan học sinh của mình, Hội đồng kỷ luật đã thể
hiện sự nghiêm túc và hảo ý trong việc xem xét, kỷ luật đúng người đúng
việc. Vì vậy, Hội đồng kỷ luật đã nhất trí đưa ra 2 hình thức kỷ luật là
đuổi học 1 năm hoặc đuổi học 1 tuần bằng biểu quyết công khai.
Sau đó, Hội đồng kỷ luật có sự chứng kiến của công an phường An Sơn
đã bỏ phiếu kín. Kết quả là 8/9 phiếu nhất trí đuổi học 1 năm đối với
em Vy nên trường mới thực hiện.
Xem xét quyết định kỷ luật em Vy
Ông Trần Văn Nhựt,
Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Việc Trường THCS Lý
Tự Trọng cho một học sinh thôi học một năm, đẩy về cho gia đình giáo
dục, nếu không khéo vô tình đẩy các em đến chỗ hư hỏng thêm. Hiện sở đã
yêu cầu Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ phải báo cáo gấp bản tường trình và toàn
bộ hồ sơ kỷ luật em Nguyễn Thanh Vy về cho sở. Từ đó, chúng tôi sẽ tiến
hành họp xem xét hình thức kỷ luật của trường đối với em Vy đúng hay
không” - ông Nhựt khẳng định.
|
Thúy Phương
[Quay lại]
Nếu mình là hiệu trưởng thì sẽ k đuổi HS này, vì đây là hệ quả của một nền GD mà Nguyễn tấn Sĩ là người đầu tiên chịu liên đới
Trả lờiXóaĐuổi học là trốn trách nhiệm. Làm tăng thêm gánh nặng cho xã hội và gia đình. Là phi giáo dục.
Trả lờiXóa