Mứt không còn đắng
Ba giao cho tôi công việc để làm:
- Con trai làm chuyện này hợp nè!
- Cái gì vậy Ba?
- Xếp giùm Ba mười lăm khối vàng bạc, tám bạc, bảy vàng.
- Sao phải mười lăm? Rồi sao phải tám bạc bảy vàng hở Ba?
Ba cười vang:
- Cái thằng dốt toán! Lấy giấy bút đưa đây, Ba giảng cho nghe!
Gì chứ cái sự vẽ vời là tôi thích nhất, hơn nữa việc này sẽ làm chậm lại một chút cái việc mà Ba định giao. Tôi chẳng là cái thằng mê ăn biếng làm, như câu mắng yêu của Ba Má tôi đó sao? Tôi lấy giấy bút đưa cho Ba. Ba cầm bút vẽ lên tờ giấy một mô hình. Ồ, giản dị quá! Tôi hiểu ra liền. Ba tượng trưng mỗi khối vàng bạc bằng một hình vuông, đó là cái đáy của khối, và sắp xếp thành năm tầng. Tầng dưới cùng có năm khối, tầng kế có bốn, tầng trên nữa có ba, rồi hai, rồi một ở trên chóp. Và vì Ba cho xen kẽ vàng và bạc nên cuối cùng tôi đếm ra có tám thỏi bạc và bảy thỏi vàng. Tôi thích thú. Ba lấy các tờ giấy vàng và bạc, loại giấy Má mua để cúng ông bà, và Ba dạy tôi xếp. Tôi cũng khá thông minh đấy chứ! Cho nên chỉ qua lời hướng dẫn của Ba, xếp thế này, thế này… là tôi đã xếp được những thỏi vàng và bạc ngay ngắn đẹp đẽ… như thật. Tôi thì làm, còn Ba chỉ nói thôi. Ba không có đủ tay để xếp giấy như tôi.
Khi đã hoàn thành một đĩa vàng bạc thật đẹp, hai cha con nghiêng đầu ngắm. Ba bưng đĩa vàng bạc đặt lên bàn thờ ông bà. Ba nói:
- Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Ba hay nói như vậy đó, đối với tôi không lạ. Đôi khi tôi cũng có một cái gì chưa đồng ý với Ba lắm, nhưng tôi không cãi. Tôi, dưới mắt của Ba Má, là một đứa bé khá ngoan. “Khá ngoan” thôi, có nghĩa là chưa ngoan lắm. Vì nhiều khi tôi cũng tỏ ra bướng bỉnh, không làm đúng lời Ba Má bảo.
Tết năm nay, tôi lên mười. Chà, nghe có vẻ “lớn” lắm rồi đấy! “Lên mười”! Tôi cũng học cách nói này theo sách vở, nghe hay hay, hơn là nói “tôi mười tuổi”. Lên mười, tôi thích khám phá những trò chơi mới. Tôi là con một, nên dù sao tôi cũng có chút sung sướng hơn mấy đứa bạn tôi có anh chị em. Và mặc dù nhà tôi không giàu, Ba Má vẫn mua sắm tương đối đầy đủ cho tôi những thứ cần thiết. Quần áo, sách vở, dụng cụ học sinh… tôi không thiếu. Duy có một điều là tôi không được Ba Má mua cho những đồ chơi điện tử. Nhất là mấy cái “game”, tôi thèm thuồng lắm nhưng có được đâu! Ba nói chơi “game” mất thì giờ không học hành được. Nhưng tôi hiểu, ngoài lý do đó, còn có lý do là Ba Má không đủ tiền để mua những bộ “game” cho tôi. “Game” đổi mới liên tục, có mua cũng không chạy theo kịp. Tôi đành làm đứa trẻ ngoan, không dám xin xỏ gì nữa.
“Lên mười”! Hình như cái con số tròn trịa này làm cho tôi cảm thấy có một cái gì rất quan trọng đối với tôi. Tôi nghe mình đã hơi “lớn lớn” rồi đấy! Tôi lên mười và sắp “tốt nghiệp” tiểu học. Tôi lên mười và được Ba Má giao làm một số công việc trong nhà. Tôi lên mười và Má thì hay khuyến khích tôi ăn nhiều cho mau lớn, cho học giỏi, “ăn vóc học hay”. Tôi lên mười và được Ba kể cho nghe một vài câu chuyện bắt đầu bằng chữ “Hồi đó…”
Hồi đó Ba không biết đến những trò chơi điện tử như bây giờ. Để xem, trò chơi Ba hay chơi nhất là ném lon hay còn gọi là “tạt lon”. Tay cầm một chiếc dép, ném ngang theo cạnh của chiếc dép, sao cho trúng cái lon là thắng. Dễ ợt! Tôi cười và nói môn bowling khó hơn nhiều. Ba cười: “Có một tay thì chơi tạt lon thôi!”
Hồi đó Ba đi học trễ lắm, mười lăm tuổi mới học lớp Năm. Thật ra thì Ba đi học đúng tuổi như các bạn vậy, nhưng có một thời gian Ba không được đến trường. Ba phải làm lụng để nuôi ông nội và một đứa em. Sau này Ba mới được nhà chùa giúp đỡ và Ba đi học tiếp lớp Năm và lên hết trung học. Tôi nhìn Ba với vẻ nể phục cộng với sự thương xót. Không ngờ Ba khổ như vậy.
Hồi đó Ba mất cha mẹ sớm, trong chiến tranh. Có lúc Ba bơ vơ, không còn nhớ cái gì là tình gia đình, cái gì là hơi ấm của cha mẹ. Ba đã không còn biết khóc. Ba nói như vậy và Ba ngưng lại, nét mặt Ba cứng ngắc. Nhưng tôi nghe đến đó thì tôi khóc.
Ba thấy tôi khóc thì Ba không kể nữa. Ba dẫn tôi ra sân, nói rằng Ba Má sẽ dành dụm mua cho tôi một bộ “game”, với điều kiện tôi phải luôn luôn học giỏi, đứng hạng cao. Dĩ nhiên là tôi hứa ngay.
2
Ba đón tôi ở trường về. Trẻ em học tiểu học, tức là cấp Một, như tôi, đi học khỏe lắm, vì trường ở rất gần nhà. Trừ khi cha mẹ có tiền nhiều thì chọn những trường sang cho con học, có khi phải đi xa, chứ bọn nhóc như tôi cha mẹ làm không đủ ăn, nên ở đâu thì đã có trường ở đó. Ba hay Má chỉ cần dẫn tôi đi bộ là được. Ba nói khi nào tôi lên trung học thì Ba mua xe đạp cho tôi tự đạp xe đi học. Nhưng không biết đến lúc đó tôi có bạo dạn thêm chút nào hay không, chứ tôi thấy mình hiện tại rất nhát. Không phải tôi không có “chí khí của thằng con trai” đâu, mà là do mỗi lần ra đường, tôi chẳng biết người ta đi theo luật lệ gì nữa. Ái chà, xe chạy ngang chạy dọc, không ai nhường ai, thậm chí có đèn xanh đèn đỏ người ta cũng muốn phá lệ, bên kia vừa mới đèn vàng thì bên này hàng đoàn xe đã vọt lên làm những người đang chạy xe phía kia hết hồn. Nhiều lần Má chở tôi đi chơi hoặc gia đình đi tắc-xi, tôi thấy cảnh đó và sợ lắm! Ba Má cũng đồng ý với tôi là “Sợ thật!”
Tôi nắm tay Ba đi trên lề đường và cảm thấy yên tâm lắm. “Chết rồi!”- tôi tự nghĩ, không lẽ phải có Ba thì tôi mới thấy yên tâm sao? Mai mốt tôi cũng sẽ lớn mà! Tôi len lén đưa mắt nhìn Ba. Tôi nghĩ đến câu chuyện Ba sớm mất cha mẹ, làm tôi rưng rưng. Má cũng vậy, Má mồ côi và sống ở trong chùa. Vậy thì tôi có cả Ba và Má, tôi thấy mình quá may mắn. Ba chắc không biết thằng nhóc đang suy nghĩ lung tung, nên Ba vẫn thản nhiên bước đều và chuẩn bị dắt tôi băng qua đường.
Bỗng có tiếng lao xao ở lề đường bên kia. Hai cha con tôi nhìn qua theo hướng đó. Ba tôi kêu lên một tiếng và dắt tôi bước đến. Một cảnh tượng tôi chưa từng thấy đang diễn ra trước mắt tôi. Một đám đông đang bu quanh một người đàn ông. Người này bị chứng bệnh gì tôi không biết, mà ông đang co giật lăn lộn dưới đất. Mười ngón tay ông nắm chặt lại, vai và cánh tay ông co rút. Chân ông rung thật mạnh. Hai con mắt của ông trợn ngược lên, giống như giận dữ. Nhưng cả gương mặt của ông thì trông như dại đi. Tôi hoảng hồn bấu lấy tay Ba.
Ba bước tới, nói với vài người đàn ông đang cố đè giữ người đang co giật:
- Xin các bạn đừng làm vậy, làm không đúng cách sẽ vô tình khiến cho ông ấy sái khớp hay gãy xương đó!
Và Ba nói với đám đông đang vây quanh:
- Xin bà con vui lòng vãn ra xa một chút, để cho ông ấy thở.
Cơn co giật của ông ấy chỉ có khoảng hai, ba phút mà sao tôi thấy quá lâu. Tôi nén sợ hãi. Nhưng sau đó ông ấy đã có vẻ êm. Ba ngồi xuống bên ông ấy, hỏi thăm vài câu và Ba cũng như yên tâm khi thấy ông ấy cố gắng trả lời được một vài tiếng. Ba cùng một thanh niên đỡ ông ấy ngồi lên, dựa lưng vào bờ rào. Ba hỏi thăm nhà ông ấy ở đâu, ông ấy có thuốc uống không, có cần đến bệnh viện không. Khi ông ấy nói rằng chỉ cần gọi giùm một chiếc xích lô để đưa ông về nhà, Ba hỏi ông có tiền không, ông nói có. Ba liếc nhìn thấy một vài tờ giấy bạc ló ra khỏi túi áo của ông, Ba liền nói:
- Anh hãy đợi, tôi có cái này cho anh.
Rồi Ba lấy trong túi của Ba ra một cái bịch vải nhỏ như cái phong bao lì xì, có dây rút, bảo ông:
- Tặng anh cái túi này, anh bỏ tiền vô đó, rút dây lại rồi cột cho chặt. Sợi dây này dài đủ để anh đeo lên cổ, rồi bỏ vào túi áo. Như vậy nếu anh có bị như hôm nay, anh cũng không lo bị văng tiền ra ngoài. Thời buổi phức tạp, nhiều người lợi dụng lấy tiền của anh thì khổ.
Người đàn ông lắp bắp nói cám ơn. Một người phụ nữ nhanh nhẩu gọi chiếc xích lô. Ba nhờ hai thanh niên đỡ ông ấy lên xe. Hai cha con tôi còn đứng nhìn theo chiếc xe đưa ông ấy đi.
Tôi thắc mắc:
- Sao Ba có cái túi vải đó hay quá vậy Ba? Con đâu có thấy Ba xài. Ai cho Ba cái túi đó vậy?
- À, của một cô bạn hồi Ba mười ba tuổi… tặng cho Ba. Cô bạn may cái túi ấy, may bằng tay con ạ.
- Để Ba đựng tiền hả Ba?
- Ừ.
- Sao bây giờ con không thấy Ba đựng tiền?
- Bây giờ Ba không có tiền.
Thấy tôi ngơ ngác, Ba cười giải thích:
- Tiền đã có Má giữ, Ba cũng đâu có đi làm ngoài đường mà cần giữ tiền. Mỗi ngày đều đã có Má lo rồi. Má phát tiền cho Ba đủ xài trong ngày, đâu có bao nhiêu!
Ba cười vui vẻ. Tôi cũng cười theo. Nhưng tôi vẫn còn thắc mắc về “cô bạn nhỏ” của Ba, đúng ra là “cô bạn hồi Ba còn nhỏ”. Hồi Ba mười ba tuổi. Hồi đó…
3
Ai cũng có một hay vài người bạn thân. Tôi cũng vậy, quá nhiều bạn thân là đằng khác. Tôi có những trò chơi cần chơi nhiều người. Và thân nhiều bạn là vì vậy thôi.
Tôi chưa hề thắc mắc Ba hay Má có bạn thân hay không. Từ nhỏ tôi cứ nghĩ họ chính là bạn thân của nhau rồi. Tôi nghe Ba Má kể rằng hai người đều được nhà chùa nuôi nấng, lớn lên trong chùa và sau này cưới nhau trước sự chứng kiến của nhà chùa. Sau đó họ ra sống tự lập ngoài đời, dĩ nhiên là có sự giúp đỡ ít nhiều của các sư cô.
Ba ngồi nhà dạy kèm học trò nhỏ trong xóm. Rảnh rỗi Ba có viết lách nhưng chỉ như một cách để giải trí. Tôi không nghe nói Ba đăng báo gì cả. Má buôn bán nhỏ ngoài chợ. Hai đầu lương ít ỏi cộng lại cũng đủ nuôi sống một gia đình ba người. Tôi biết thế thôi và cũng có cảm giác mình đã có một gia đình đầy đủ và yên ấm.
Bây giờ thì tôi biết thêm về một cô bạn nhỏ của Ba. Tôi chưa gặp cô ấy bao giờ. Má cũng chưa, nhưng Má hầu như biết hết những chuyện của Ba “hồi đó”. Một người bạn có một món quà nhỏ được giữ gìn kỹ lưỡng. Một món quà được giữ gìn lâu nay lại được người giữ nó đem tặng cho một kẻ xa lạ gặp tình cờ trên đường. Mấy chuyện này quả đã vượt quá óc suy luận đơn sơ của một thằng nhóc như tôi rồi!
Hôm nay đã là ngày hai mươi chín Tết. Ba cùng tôi quét dọn nhà cửa. Ba ngắm nghía bàn thờ ông bà với đĩa vàng bạc hai cha con xếp hôm trước, tỏ vẻ hài lòng. Tôi nói:
- Ba, mình còn chưa có mứt.
- Ừ, chưa có mứt. Nhưng Má nói Má sẽ mua hoặc làm một ít.
- Con thích ăn mứt.
Ba cười:
- Ừ. Con nít đứa nào cũng thích ngọt.
- Ba, con thấy Ba ít ăn ngọt.
Ba lại cười sang sảng:
- Ba bị bệnh tiểu đường mà lị!
Tôi cười theo Ba. Bỗng có một lúc đôi mắt Ba như tối đi. Tôi thấy lạ lắm! Tôi lên mười, chưa bao giờ hỏi han Ba vui hay buồn. Nhưng bất chợt tôi thấy mình đã hơi “lớn lớn”, tôi hỏi:
- Ba buồn hả Ba?
Ba giật mình, nói ngay:
- Buồn gì mà buồn?
Nhưng rồi Ba bảo tôi ngồi bên cạnh Ba, và Ba nói như kể chuyện:
- Ba thích ăn mứt, giống như con vậy. Má lại biết làm mứt, nên nhà mình không bao giờ thiếu món này. Nhưng trong thời thơ ấu của Ba, có những khi Ba thèm một cái gì ngọt mà không có. Con biết không, Ba nghèo lắm, đi bán cà-rem nuôi ông nội của Ba và nuôi một đứa em trai. Gia đình Ba không còn nguyên vẹn. Ba cũng mất một cánh tay trong chiến tranh. Ngày ngày Ba ôm thùng cà-rem có sợi dây đeo trước ngực, đi bán kiếm tiền. Ba có cô bạn nhỏ bằng tuổi Ba, tên cô là cô Tú. Cô ấy đi học về là đến mua cà-rem và nói chuyện với Ba. Ba thì hầu như không bao giờ khóc, con trai mà, nhưng cô Tú thì mau nước mắt lắm. Lần đầu tiên cô nói chuyện với Ba là lúc cô ấy nước mắt nước mũi tèm lem. Người chi mà hay khóc vậy kìa! Nhà cô ấy không giàu, nhưng có đủ cha mẹ chị em. Có cái gì ăn cô ấy cũng đem đến chia xẻ với Ba. Ngày Tết, cô mua hộp mứt cho gia đình, cũng để dành cho Ba một gói nhỏ.
- Bây giờ cô Tú ở đâu, Ba?
- Ba không biết. Ba và cô Tú chỉ làm bạn như hai đứa nhỏ trên đường phố. Ba không biết nhà cô ấy. Cô ấy cũng chưa bao giờ đến nơi Ba tá túc. Rồi sau khi “đổi đời”, cô ấy đi đâu không biết. Dạo đó có những gia đình làm không đủ ăn, dọn đi “vùng kinh tế mới”. Ba đoán nhà cô ấy chắc cũng vậy. Rồi Ba và chú con được một vị sư cô thương hoàn cảnh khó khăn, cho vào chùa nương náu sau khi ông nội của Ba mất. Hai anh em lớn lên trong chùa, cùng với những trẻ mồ côi khác. Trong chùa cũng cực khổ lắm! Mấy đứa nhỏ lúc nào cũng thèm ngọt…
Tự nhiên tôi nuốt nước miếng. Nghĩ đến ngọt thì tôi cũng thèm. Không giấu được cử chỉ đó với Ba. Ba cười:
- Ăn ngọt thì dễ bị mập. Nhưng khi con người ta thiếu ăn, cái thèm đầu tiên là thèm ngọt. Sinh vật nào cũng thế. Nhỏ xíu như con vi trùng cũng tìm cái ngọt ăn trước, mà to tướng như con voi cũng thích ăn ngọt.
Tôi cười khanh khách. Ba dẫn dụ hay thật! Tôi chợt ao ước lớn lên mình sẽ học thật giỏi, tôi sẽ tìm hiểu cái thế giới muôn loài hấp dẫn và thú vị ra sao. Nhưng trong đó, cái thế giới của con người, hình như là rất khó hiểu, và cũng thú vị lắm.
Tôi nêu một thắc mắc:
- Ba ơi, vậy còn cái túi vải nhỏ đó, lúc nào Ba cũng mang theo hả Ba?
- Ừ, chính Má muốn Ba mang theo.
- Chi vậy Ba?
- Để lỡ có tiền nhiều thì bỏ vô đó, rút dây lại.
- Nhưng Ba nói Ba không dùng để đựng tiền…
- Ừ thì tại vì… Ba đâu có còn đi bán cà-rem.
- Nhưng sao Ba lại tặng cho ông kia?
- Ờ… tại vì ông đó tội nghiệp, giống như…
- Giống như ai?
Ba lắc đầu. Chắc Ba nghĩ thằng nhóc bắt đầu hỏi xà quần rồi. Ba xua tay:
- Câu chuyện đến đây tạm ngưng nghe cậu nhóc! Đi xuống bếp giúp Má đi! Mau, ba thương.
Dĩ nhiên là tôi nghe lời. Tôi cũng là đứa bé khá ngoan “mà lị”, nói theo cách của Ba.
4
Hai cha con lên một chiếc xe buýt. Ba tập cho tôi đi xe buýt cho quen, hoặc nếu mai mốt lên cấp Hai có đi học xa một chút thì tôi cũng có thể đi xe buýt đến trường. Ba vốn tính cẩn thận như vậy đó! Dù bận về, chuyến xe có hơi đông người một chút nhưng hai cha con vẫn có chỗ ngồi vì có hai anh lớn hơn tôi đứng dậy nhường cho chúng tôi. Chắc là vì họ thấy Ba chỉ có một tay. Ba cám ơn họ và tỏ vẻ hài lòng. Tôi nhớ bài học “hãy nhường chỗ cho người yếu ớt” ai cũng biết nhưng không mấy khi áp dụng trong những hoàn cảnh mà con người quá đông đúc và ai cũng quá lo cho cái lợi lộc của mình.
Một bà lớn tuổi ngồi bên cạnh Ba, chăm chú xem một quyển sách dày. Bà mỉm cười gật đầu như chào Ba. Ba cười, gật đầu chào lại. Bà khách cúi xuống tiếp tục đọc sách. Khi đến trạm cuối, mọi người lục tục đi xuống. Ba bảo tôi hãy nán chút và xuống sau vì mình không có gì gấp, chỉ là đi dạo chợ Tết và về tới nhà rồi. Bà khách lại mỉm cười chào hai cha con tôi và đi xuống. Khi tôi đứng lên, tôi chợt thấy một cái phong bì nằm trên sàn xe. Tôi chỉ cho Ba thấy. Ba lượm lên. Hai cha con trố mắt khi cầm cái phong bì thấy nặng nặng. Cái phong bì không dán, trong đó, một xấp tiền dầy cộm. Ba nhìn quanh. Hành khách đã xuống xe hết, chỉ còn người tài xế. Ba nói với tôi:
- Í da, hẳn là của bà khách ngồi cạnh Ba hồi nãy…
- Làm sao đây Ba?
- Chắc chắn là của bà ấy rồi! Mình hãy xuống tìm bà ấy.
Không đợi tôi phản ứng, Ba dắt tay tôi đi nhanh xuống khỏi xe. Bà ấy kia kìa! Nhưng bà đã đi khá xa. Ba bảo tôi hãy đi nhanh theo Ba. Chưa bao giờ tôi thấy Ba đi nhanh đến thế. Như chạy. Tôi cũng chạy theo Ba. Trong lúc đó một hình ảnh lướt nhanh qua trí tôi: tôi thấy hai cha con tôi đem cái phong bì tiền ấy về nhà, cùng Má mở ra xem. Ôi một số tiền khá lớn, đủ cho cả nhà tôi sắm Tết và con dư đủ để mua một cái máy chơi “game” cho tôi. Tôi sung sướng lắm!..
Nhưng rồi tiếng gọi của Ba làm tôi giật mình:
- Bà ơi! Bà!
Ba đã đuổi theo kịp bà khách nọ. Thật ra là nhờ bà ấy quay trở lại. Nét mặt bà dáo dác, hớt hải. Ba thở hổn hển, nói:
- Bà! Bà!..
Bà khách nói như reo:
- Ôi! Ông ơi! Tôi phải trở lại xe để tìm gói tiền của tôi. Thật vô ý quá, tôi kẹp trong cuốn sách, rồi chắc là nó rơi ra mà tôi không hay…
Ba hỏi:
- Gói tiền của bà ra sao?
- Là một cái phong bì, ông ạ! Tôi… Ối Trời ơi chắc là mất tiêu rồi, hoặc xe đã chạy mất rồi!...
Ba đưa cái phong bì ra, hỏi:
- Cái này phải không ạ?
- Phải, phải rồi! – Bà khách như rú lên vui mừng – Phước đức quá! Cám ơn ông…
- Cũng may là tôi nghi cái phong bì là của bà.
- Cám ơn ông nhiều lắm! Không có số tiền này, tôi không thể trang trải tiền nằm bệnh viện của mẹ tôi…
- Vậy xin bà hãy cất cho kỹ. Chào bà.
Bà khách như sực tỉnh, nói nhanh:
- Ồ, ông ơi, tôi xin đền ơn ông….
- Không, không, xin bà đừng làm vậy, chúng tôi không nhận đâu! Bà hãy lo công việc của bà.
Bà khách cám ơn rối rít và chào tạm biệt chúng tôi. Tôi cũng chào bà.
Ngõ vào nhà tôi đây rồi! Nhưng chợt tôi nghe có tiếng gì là lạ bên tai. Ba đang đi bỗng nhiên ngồi thụp xuống, như có cái gì kéo Ba sập xuống vậy. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Ba sao vậy Ba?
Ba đáp yếu ớt:
- Ba … chạy… nhanh… Ba mệt….
Tôi chưa kịp làm gì thì bỗng thấy Ba co giật tay chân nhè nhẹ. Tôi hoảng hồn mếu máo:
- Ba ơi, Ba có sao không?
Ba lắc đầu, lắp bắp nói:
- Ba… không… sao, nhẹ thôi… con à! Đừng… đừng… có… sợ…
Nhưng tôi thật sự sợ lắm! Lần đầu tiên tôi thấy Ba như thế, tuy không dữ dội như người đàn ông hôm trước, nhưng cũng làm tôi kinh ngạc. Ôi, Ba cũng có chứng bệnh này sao???
5
- Phải, Ba đã từng bị chứng động kinh từ hồi đó. Là từ khi Ba mất cha mẹ, Ba mất một cánh tay và Ba bị chấn thương não trong chiến tranh. Ba đã từng đi bán với cái thùng cà-rem đeo trước ngực. Hình ảnh thằng bé cụt một tay bán cà-rem ở dãy phố đó, hầu như ai từng sống ở đấy đều đã biết. Ba bán tàm tạm qua ngày vì ai nhìn thấy thằng bé cũng đều xót thương. Nhưng mỗi một lần thằng bé lên cơn kinh giật thì bao nhiêu tiền bạc nó bỏ trong túi đều rơi ra cả, thế là bọn trẻ con sống lang thang trên hè phố, và có cả người lớn nữa, hè nhau chạy tới lượm hết tiền của nó. Không thương xót. Qua cơn co giật nó lả cả người và đau đớn đến tận xương, miệng khô cổ đắng và tuyệt vọng khi thấy tiền của mình đã bị người ta lượm hết. Quãng đời đó đối với thằng bé thật là cay đắng, mặc dù tên của nó là Ngọt. Vậy mà có một lúc, một cô bạn nhỏ đã đến chia sẻ với nó từng viên kẹo, từng miếng mứt cô để dành cho nó. Khi nó bị chiếm đoạt hết tiền thì cô Tú mảnh mai kia đã hét lớn như một đứa con trai và muốn xông vào đánh những kẻ vô nhân. Và Tú đã may cho Ngọt một cái túi vải để mang vào cổ, rút dây lại sau mỗi khi bỏ tiền. Tú còn dặn sau này khi Ngọt hết bệnh – nếu may ra - thì Ngọt cứ cho người khác, khỏi cần hỏi ý của Tú. Ngọt không có dịp hỏi ý của Tú, vì Tú cùng gia đình đã đi đâu mất tăm. Ngọt may mắn sống trong chùa và được chữa trị bằng một loại thuốc Nam. Thuốc đó phải uống cả đời. Chứng động kinh đã được ngăn chận, thỉnh thoảng vẫn trở lại, nhưng rất hiếm, chỉ còn một hai lần trong một năm. Mỗi lần Ba thấy mình sắp co giật thì Ba vào phòng đóng cửa lại, uống thuốc và ráng chịu đựng. Thằng nhóc tôi chưa bao giờ biết về căn bệnh của Ba. Cái chứng bệnh nghe thì không mấy nguy hiểm nhưng có thể cô lập một con người với cuộc sống. Nhưng mà Ba đã rất may mắn. Vì Ba gặp được những người quá tốt. Ba được trị bệnh bằng thuốc, và bằng cả tình thương nữa.
Ba nói Ba ao ước gặp lại cô Tú, cô bạn nhỏ. Tôi chợt không ao ước có trong tay cái máy chơi “game”, mà tôi cũng mong cả nhà tôi được gặp lại cô Tú. Tôi lên mười, giờ đây hiểu được cái gì ảnh hưởng đến cuộc sống của một con người mạnh mẽ nhất. Đó là những hình ảnh của yêu thương. Ba từ vũng lầy khó thoát của cuộc sống khắc nghiệt, đã vươn lên nhờ những từ tâm. Ba làm gương tốt cho tôi, giúp tôi hiểu thế nào là lòng nhân ái, sự thẳng thắn và nhất là tính không tham lam. Tôi lên mười, chỉ quen viết những bài văn đơn giản, chỉ để nộp cô giáo mà không bị cô chê văn vụng về và cho ít điểm. Nhưng viết về những điều tốt đẹp này, tôi nghĩ tôi cũng “dư sức”.
Má làm cho tôi mứt dừa, mứt bí, mứt hạt sen…, nói chung là đủ loại, mỗi thứ một ít. Riêng Ba có một loại là mứt khổ qua. Eo ơi! Cái loại trái chi mà đắng teo cả lưỡi, tôi nếm một miếng mỗi khi Má nấu canh đã hết hồn. Má nói với Ba:
- Anh ăn đi! Mứt… ngọt lắm!
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét