Nơi giao lưu của Cựu học sinh Trần Cao Vân Tam Kỳ Quảng Nam Khóa 75-78. Nơi xả stress sau một ngày làm việc căng thẳng. Nơi 8&8

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

TÌNH BẠN

Sáng mồng 7 tết tại quê nhà thành phố Tam Kỳ trời se se lạnh. Cơn mưa xuân vừa đủ ướt những cánh mai đang khoe sắc một góc sân vườn của quán cà phê mang âm hưởng Quê Hương. Trên căn chòi cao nhất quán chúng tôi gồm Tony Tòng, Nguyễn Cao Hải, Trần Lệ Thu và tôi. Buổi uống càphê cuối cùng tiễn Tòng vào Sài Gòn để qua Mỹ, rất tiếc Lê Cẩm Hồng không đến được vì chuẩn bị xe cộ để tiễn chân người đi. Những cốc cà phê được uống chóng vánh tranh thủ vì Tòng không còn nhiều thời gian, dăm ba câu chia tay tiễn biệt nhưng cũng thắm đượm tình thân. Từ giã người đi, còn lại ba người Cao Hải, Lệ Thu, và Trọng Tuấn cùng hướng về xóm Bò trong cơn mưa rào vừa đủ ướt để thăm Lê Quang Tuấn mới về phép 15 ngày đón xuân từ trại tâm thần. Thật may mắn vừa đến nơi thì bắt gặp LQT cũng dự định ra khỏi nhà, ai bảo " Người điên không biết nhớ " vừa thấy mặt chúng tôi anh chàng mừng rở reo lên : A ! Trọng Tuấn, Cao Hải, Lệ Thu nữa nề !!!. Tôi thật sự xúc động ôm chầm lấy LQT siết mạnh trong sự ngỡ ngàng của những người hàng xóm. Tuấn mời chúng tôi vào nhà, căn nhà vắng hoe. Tuấn ở với mẹ già nhưng mẹ đã ra chợ buôn bán mấy hôm rồi, chàng ta mang bia nước ngọt và hạt dưa mời khách. Câu chuyện được khơi dậy từ những kỷ niệm thuở học trò mà Lê Quang Tuấn vẫn nhớ vanh vách, thỉnh thoảng chàng ta còn pha trò chọc ghẹo Lệ Thu. Tôi có cảm giác như bạn ấy không hề tâm thần một chút nào cả ! Xúc động nhất là khi nghe bạn tâm sự ; " Tau không có điên đâu chỉ bị tâm thần nhẹ thôi nhưng mọi người xung quanh, hàng xóm đều xa lánh. Trên trại tau tiếp xúc với nhiều người điên nên rất buồn vì không ai hiểu mình ". Đang trò chuyện nửa chừng thì phóng viên vĩa hè Võ Hồng Dũng mang máy quay đến, nhưng tên này mới thực sự là điên vì mang máy hết pin nên không ghi hình gì cả ( Hì...hì... đừng giận nhe VHD ) . Một chút lãng mạn của LQT được bộc lộ khi chàng ta hát một đoạn của bài : " Tuổi đá buồn " rất nồng nàn và hay tặng bạn bè trong sự ngỡ ngàng của mọi người nhất là Lệ Thu vì câu đùa ví von của LQT : " Hôm nay gặp LT không còn Tuổi đá buồn  nữa mà là Tuổi đá vui rồi " . Trước khi chia tay Lệ Thu đại diện trao cho LQT một chút quà nho nhỏ của một số bạn bè được gói gém trong phong bì lì xì mừng tuổi như trao cho bạn một chút nắng hồng trong một ngày đầu xuân mưa se lạnh. Chúng tôi gồm có cả Lê Hoa ( chị LQT ) cùng chụp chung một tấm hình lưu niệm qua Iphone với LQT. Những cái bắt tay siết mạnh của LQT như muốn níu kéo tình thân trở lại. Tôi ra về trong cơn mưa nhưng sao thấy lòng mình ấm lạ...
                                                                       SG đêm 13 tết

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

CÕI XUÂN NGƯỜI

Ba mươi bốn, bấm tay đếm hoài đến mõi
Ba mươi bốn năm đón tết quê người
Xuân rất thật mà ta dường không thật
Trời rất tròn mà đất lại chia đôi.
HAPPY NEW YEAR
2013

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013


nguyễn văn biên
Trên đường chiều giáp Tết

Chiều cuối năm nắng buồn như vậy,
Ta kiểng chân lén hái cánh Xuân gầy.
Người xe bươn bã chi nhiều vậy, 
Hẳn cuối đường kia có lắm nụ Xuân đầy...? 

Hàng cột điện nghiêm trang chờ tết đến
Lá tre rơi uể oải đón Xuân về
Ta chẳng thể vô tình nhiều đến thế,
Bên kia sông- áo đỏ, hoa buông...

Chiều cuối năm,
Chiều cuối năm ...!
Muốn được say.
-Rượu nhân gian uống hoài vẩn tĩnh.

Lụa áo chờ tay,
Bụi gió đường bay,...
Ta đóng đinh mình trên chiều giáp tết...
NVB

Chúc tất cả các bạn tận hưởng một cái tết nhiều hương sắc và hạnh phúc sum vầy bên người thân .                                                                  
     NGUYÊN BỬU ĐƯỜNG chủ nhân - Cẩn bút

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013


Share một bài viết của HỒ TRUNG TÚ trên báo Đà Nẳng.
Cũng để nói lên một tính cách của dân QN_ĐN
HAI CÁI CHẾT-
Sông Hàn là một đoạn sông ngắn, có hai cái miếu ở hai đầu sông gắn liền với hai cái chết vô cùng hay: Một người thì biết đúng dầu chết cũng làm, một người biết sai dầu chết cũng không thực hiện:

- Phía cửa biển là đền Tùng Giang thờ tướng Nguyễn Phục, phụ trách thuyền lương cho Lê Thánh Tông, khi thấy gió bão ông cho dừng thuyền lại chứ không cho đi như cam kết với vua, ông nói: "Thà đem tấm thân bé nhỏ chịu hình phạt búa rìu chớ không nỡ đem của nông sản ít ỏi này chìm dưới biển sâu, đưa các ngươi làm mồi cho cá". Vì lẽ đó ông bị chém, hiển linh, người Đà Nẵng làm miếu thờ gọi là đền Tùng Giang.

- Ở phía núi Ngũ Hành Sơn có một đền nhỏ tên gọi là Ông Chài, dân làng kể : Gia đình vạn chài sống trên thuyền có ông bố chồng và một đôi vợ chồng trẻ, khi anh con trai đi đánh cá xa, ông bố chồng nhìn cô con dâu ngủ hớ hênh, ông tự nhủ là không được, nhưng vẫn không thể kìm chế, đến lúc thấy mình đứng dậy bước về phía cô con dâu thì ông cũng vớ con dao làm cá để gần đó, kê cái của nợ nóng hổi lên mạn thuyền, bằm một phát rồi vứt cá ăn. Mất máu, ông chết, cũng hiển linh, nhất là với ai muốn cầu duyên. Dân làng lập đền thờ, gọi là miếu Ông Chài.
HTT