Nơi giao lưu của Cựu học sinh Trần Cao Vân Tam Kỳ Quảng Nam Khóa 75-78. Nơi xả stress sau một ngày làm việc căng thẳng. Nơi 8&8

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

TIỀN VÀ MẸ

Ai đã từng xài tiền phung phí
Xin chạnh lòng hình ảnh mẹ yêu
Bảy nghìn đồng chưa nửa bát bún riêu
Mà tóc Mẹ nửa muối tiêu, nửa bạc...

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

BÀI VĂN BỊ ĐIỂM KHÔNG

- Mẹ đã bao giờ thấy một bài văn bị điểm không chưa, hả mẹ ?
  Người mẹ ngạc nhiên :
- Đề bài khó lắm sao con ?
- Dạ không ! Cô chỉ yêu cầu " Tả mẹ em đang đọc báo " Có đứa bạn con bảo mẹ nó không bao giờ đọc báo, nhưng rồi nó bịa ra, cũng được 6 điểm.
  Bà mẹ thở dài :
- Còn đứa bị điểm không, nó tả thế nào ?
- Nó không tả, không viết gì hết. Nó nộp giấy trắng cho cô. Hôm trả bài, cô giận lắm. Cô hỏi : "Sao trò không chịu làm bài ? " Nó cứ làm thinh. Mãi sau nó mới bảo : "Thưa cô, con không có mẹ. " Nghe nó nói cô con sững người. Té ra mẹ nó mất từ khi nó lọt lòng mấy tháng. Cô mới nhận lớp nên không biết, mẹ ạ ! Cả lớp con ai cũng thấy buồn. Lúc ra về, có đứa hỏi : " Sao mày không tả mẹ của đứa khác ? " Nó chỉ cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống má.
     Chuyện cậu học trò có bài văn bị điểm không đã để lại trong tôi một nỗi đau, nhưng cũng để lại một bài học về lòng trung thực
                                                                                            Theo Nguyễn Quang Sáng
Mùa Vu Lan lại về với tất cả chúng sinh, chúng ta đón nhận sự kiện này không phải như một lễ tiết tôn giáo mà là một hội lễ, ...bọn mình:Cùng một lứa bên trời lận đận (Tỳ bà hành-Bạch Cư Dị) càng thấm thía hơn công đức sinh thành, và luôn tri ân công ơn nuôi nấng dưỡng dục của cha mẹ trên quả đất có ba phần tư là nước mắt ( Xuân Diệu) này.
Trong muôn vàn thâm tạ MẸ yêu quí đó, xin chia sẻ với các bạn bài viết về MẸ bên thềm thiên niên kỷ… bài này viết trong đêm giao thừa 1999-2000, vì thật sự khi đứng bên phút giao thừa thiên niên kỷ đó mình thấy choáng ngợp và nghĩ về Mẹ, về tất cả những sự kiện mà lứa tuổi chúng ta đã đi qua: chiến tranh - hòa bình với một góc nhìn khác ..,và chỉ có Mẹ và tình yêu của người mới sánh bằng thời gian vô thủy vô chung kia…Và như là một món quà cho Mẹ nhân ngày hội báo hiếu năm nay.


nguyen van bien
VIẾT BÊN THỀM THIÊN NIÊN KỶ
Mẹ sinh ra tôi nhằm mùa chinh chiến
Tiểu liên cực nhanh thay tiếng pháo giao-thừa
Ngày Nguyên đán “họ” trói dồng bào từng chuỗi
Vỗ tay trên” những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em…” *

Tôi dò dẫm bước đi trên vệt đạn bom
Nương câu kinh cầu của mẹ,
Ngày chiến tranh- dưới hầm sâu tránh pháo
Mẹ sợ đầu từng đứa con
-cầu cho:-“ chân cứng đá mềm.”!

Tôi lớn lên ngày hòa bình rộn rã,
Băng đỏ xuống đường, cờ đỏ tung bay.
Người chiến thắng cõng trên lưng chiến công và kiêu hảnh,
Kẻ a dua tự dán nhãn cho mình.
Thoảng trong chiều: - Tiếng Mẹ cầu kinh.!!
Tôi vụng về bước đi trên đường “ cách mạng”…,
Phạt cỏ phá bưng dựng lại quê mình,
Khẩu hiệu tung hô “ồm” trời trẻ dại,
Tôi đưa em về... chẳng dám cầm tay.

Cố hương một ngày từ biệt ra đi
Hành trang trên vai: khói chiều xóm cũ.
Dọc bến trần ai sóng đời cuộn lũ,
“ Kinh luân ..hề!”
-Ớn lạnh hai vai….

Rong ruỗi ngược xuôi thành người lính cũ
Xuống biển lên ngàn nên thợ, nên thầy…
Tung hê buồn vui…khỏa trời mộng cũ
Dọ bước trên đường, bờ mé tương lại.

Ngập ngừng trước cổng ngàn năm
Xin tạ ơn dòng sông chấp chới
Chở tôi vượt trạm thời gian.
Xin cảm ơn tình xưa bối rối,
một lần góp lửa nhân gian.

Đứng bên thềm ngàn năm.
Con xin thâm tạ lời kinh cầu của mẹ,
Cùng ngọn gió chiều
ấp ủ buổi ra đi...

31-12-1999- nvb


*lời một bài hát của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.








Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Xăng đang lên giá !!! Ai bảo em đòi mua xe SH ??? Ok ! Mình chia tay.

XĂNG

Xăng mỗi ngày mỗi tăng
Dân mỗi ngày mỗi khổ
Mừng cho ông đường bộ
Không phải sợ kẹt xe

Đường sắp tới vắng hoe
Không ai thèm ra nữa
Chỉ còn mấy bà chửa
Đi bộ để mau sinh

Này ông Thăng La Đinh
Thế là không lo nữa
Hoan hô mấy chị chửa
Xuống đường chống kẹt xe

Giờ thì ông khỏe re
Lâu ni  tìm đấu pháp
Cấm xe hơi, xe đạp
Đổi giờ học giờ làm

Đi xe buýt xe lam
Cho đường thêm rộng mở
Thật lòng tôi mắc cỡ
Cho kiến thức của ông ???

KỲ 1 XIN THÊM 1 ẢNH ĐẸP VÀO THƯ MỤC CỦA TDV


Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

MẸ

Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt diệu nhất là trái tim của Mẹ...

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

36 MÙA VU LAN VẮNG MẸ

Chỉ còn đúng một tuần nữa là đến ngày rằm tháng bảy-mùa vu lan lại đến, thêm một mùa vu lan lần thứ 36 nữa trên ngực áo tôi mãi cài bông màu trắng. Một khoảng trống mênh mông, một nỗi buồn vô tận khi nhắc về mẹ.
Vâng ! Mẹ mãi về với cỏi vĩnh hằng khi tôi tròn 16 tuổi, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới nhưng lại là cái tuổi thần tiên của tuổi học trò mộng mơ và huyền diệu. Chiến tranh đã cướp đi mẹ và đã cướp đi tuổi thơ mộng mị của một thằng con trai mới lớn như tôi. Đó là năm 1976, đất nước đã hòa bình- mẹ mất đi không phải vì chiến tranh lửa đạn nhưng vì hậu quả của chiến tranh , một xã hội lạc hậu, cơ chế, một bệnh viện lớn của thành phố mang danh : " Hòn ngọc Viễn đông " cũng không thể cứu sống một mạng người với một căn bệnh loại tầm tầm, đâu phải nan y do hoàn cảnh " buổi giao thời ". Thời ấy, mẹ là linh hồn của cả gia đình sau những năm tảo tần, lao lực mẹ đã ngã bịnh. Hai người anh đầu là sĩ quan chế độ cũ phải chấp hành lệnh cải tạo, người chị thứ ba đành bán đi tất cả những gì có thể bán được để mang mẹ vào Sài Gòn chửa trị. Nhưng rốt cuộc cũng đành mang mẹ về chờ ngày vẫy tay tạm biệt đàn con.
Những tháng ngày ấy không bao giờ tôi quên được, mẹ trút hơi thở cuối cùng vào ngày mồng 2 tháng 5 âm lịch năm 1976. Ngày ấy tôi học lớp 10 trường trung học Trần Cao Vân, nỗi đau và ân hận nhất đời tôi là không về kịp chứng kiến phút lâm chung của mẹ. Tôi còn nhớ mãi, chiều hôm ấy nhà trường chuẩn bị nghĩ hè và khối lớp 10 chúng tôi có tổ chức cuộc thi học sinh giỏi toán toàn trường do thầy Nguyễn Tứ phụ trách. Lần ấy, tôi là người được vinh danh có số điểm cao nhất toàn khối . Phần thưởng dành cho tôi do thầy Nguyễn Tứ trao là cuốn V.I LÊNIN, trang đầu có lời khen tặng của thầy có cả con dấu đỏ và chữ ký của thầy hiệu trưởng nữa. Niềm vui bỗng tan biến khi hay tin mẹ đã qua đời, tôi vội vã chạy nhanh về nhà trong tâm trạng bấn loạn và mẹ mãi mãi ra đi không kịp đợi tôi về. Tôi đã khóc thật nhiều vật vã bên thi hài của mẹ và mãi đến bây giờ dù đã 36 năm trôi qua mỗi lần nhớ đến tôi đều ngấn lệ...
Mùa đại lễ Vu Lan sắp đến con chỉ biết cầu mong cho hương hồn của mẹ mãi yên bình nơi chín suối và đã 36 năm qua nhìn những ai cài bông hồng trên áo con khát khao được gào lên hai tiếng mẹ ơi !!!
Xúc thương những cụ bà lặn lội gánh hàng rong
        Mẹ

Xin tặng cho những ai được diễm phúc còn có Mẹ
Đỗ Trung Quân - 1986


Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.

Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài cho con lên áo một bông hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ?
Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn
đau khổ - chia lìa - buồn vui - hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?

Hôm nay...
anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngã nón đứng chào xe tang qua phố
ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình?
Bài thơ này xin thắp một bình minh
trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối
bài thơ như một nụ hồng
Con cài sẵn cho tháng ngày
sẽ tới !

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Giá trị - Trị giá (Chuyện 100 chữ)

     Thời ấy, khó khăn thế mà mẹ vẫn mua cho tôi cái đồng hồ và chiếc nhẫn vàng chữ Phước. Hai món quà: là lời khuyên hãy quý trọng thời gian và làm lành tránh dữ. Tôi luôn tâm nguyện.
     Bây giờ mẹ không còn nữa. Cuộc sống khá hơn nhưng đồng hồ và chiếc nhẫn ấy vẫn còn đây, trên tay tôi.
     Bạn bè thường ghẹo, sao đeo hoài những thứ cũ kỹ ấy. Chẳng giá trị mấy đồng.
     Thôi thì ai cười mặc ai. Có những cái trị giá đâu thể quy tiền. Mong rằng ai cũng có!

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

VIẾT VỀ MẸ
"Trong vũ trụ có lắm kỳ quan nhưng kỳ quan kỳ diệu nhất là trái tim người mẹ"
  Sắp đến Vu lan rồi, chúng ta hãy có những bài viết về Mẹ nghe các bạn.
   Mỗi người, mỗi công việc trong cuộc sống… đều có một ngày truyền thống để tôn vinh – và dường như xã hội càng hiện đại, lối sống càng văn minh thì những ngày này càng trở nên quan trọng, được chú ý và đề cao nhiều hơn. Đặc biệt là với những ngày dành cho Mẹ như Ngày quốc tế phụ nữ (8.3), Ngày của Mẹ (Chủ nhật thứ 2 trong tháng 5), Ngày phụ nữ Việt Nam (20.10)…
   Dễ hiểu vì sao trong một năm, Mẹ lại được tôn vinh nhiều đến thế, bởi nói như Trịnh Công Sơn: Một người tình có thể ác độc với bạn nhưng trong lòng người mẹ chỉ có từ tâm. Sự ác độc mang đến giá băng trong lòng bạn và chỉ có huỷ diệt chứ không thể làm sinh nở một điều gì tốt lành. Chỉ có ở người mẹ, bạn mới có thể tìm được lòng chung thuỷ tuyệt đối. Khi mẹ mất rồi thì bạn hãy tin chắc rằng không thể ở một nơi nào có một lòng chung thuỷ tương tự như vậy nữa, bởi vì, đối với mẹ bạn là mục đích đầu tiên và sau cùng. Khi một người tình cho bạn một tình yêu thì trong trái ngọt đã có thêm mùi vị của cay đắng. Tình yêu của mẹ là không vụ lợi. Ở trái tim của ngườì mẹ chỉ có sự tràn đầy, không có bớt đi hoặc thêm vào gì nữa.”


Hai bao tải của một người mẹ khiến cả trại giam bật khóc



  Lưu Cương phạm tội cướp giật, bị ngồi tù đã một năm. Từ ngày bị vào tù, Lưu Cương chưa có ai đến thăm.
 Nhìn những phạm nhân khác thỉnh thoảng lại có người tới thăm nom, còn được người nhà mang đến bao nhiêu đồ ăn ngon,  Lưu Cương nhìn thấy mà thèm, liền viết thư cho mẹ để mẹ đến thăm, nhưng không phải v ì thèm những đồ ăn ấy mà vì Lưu Cương rất nhớ bố mẹ.
  Sau khi gửi biết bao nhiêu cánh thư nhưng không có bất cứ hồi âm nào, Lưu Cương hiểu, bố mẹ đã bỏ rơi mình. Đau khổ và tuyệt vọng, Lưu Cương lại viết thêm một bức thư nữa, nói là “ nếu bố mẹ không đến thăm con, bố mẹ sẽ mãi mãi mất thằng con này.”. Đây hoàn toàn  không chỉ là lời nói suông, những phạm nhân bị vào tù do tái phạm đã không ít lần lôi kéo anh vượt ngục. Nhưng Lưu Cương vẫn chưa hạ được quyết tâm, nay bố mẹ không còn thương xót, đoái hoài đến mình, thì còn gì để lo lắng, vấn vương nữa?

  Hôm ấy trời lạnh đến buốt da buốt thịt. Lưu Cương đang bàn bạc với mấy “đại ca đầu trọc” về chuyện vượt ngục thì có người gọi giật lại: “Lưu Cương, có người đến thăm!” Là ai được nhỉ? Bước vào phòng thăm tù nhân, Lưu Cương đứng sựng lại, là mẹ! Một năm không gặp, trông mẹ thay đổi nhiều đến mức con trai mẹ không nhận ra. Mẹ mới hơn 50 tuổi mà tóc đã bạc trắng đầu, lưng mẹ còng như con tép nhỏ, người mẹ gầy gò quá, bộ quần áo mẹ mặc đã sờn rách. Mẹ đi chân trần hằn cáu bẩn và loang lổ vết máu. Bên cạnh mẹ là hai chiếc bao tải cũ.
  Hai mẹ con cứ thế đứng nhìn nhau. Chưa kịp đợi Lưu Cương mở lời, nước mắt mẹ đã trực trào từ đôi mắt mờ đục. Mẹ vừa giơ tay lên quệt nước mắt, vừa nói: “Tiểu Cương à, mẹ nhận được thư con, con đừng trách bố mẹ nhẫn tâm. Thực sự là không có thời gian đi được con ạ. Bố con…lại ngã bệnh, mẹ phải chăm sóc bố con, đường lại xa xôi….” Đúng lúc ấy, có anh quản giáo bưng đến cho mẹ Lưu Cương  một bát mỳ trứng còn nóng hổi, nhiệt tình nói: “Bác ăn đi cho nóng rồi lại nói chuyện tiếp ạ.” Mẹ Lưu Cương vội đứng dậy, xoa xoa tay lên người, nói: “Thế này sao được”. Quản giáo đặt bát canh vào tay mẹ Lưu Cương, cười, nói: “Mẹ cháu cũng tầm tuổi bác, mẹ ăn một bát mỳ trứng của con trai không được sao?” Mẹ Lưu Cương không nói gì nữa, cúi đầu ăn “sụp soạp”. Bà ăn một cách ngon lành như mấy ngày chưa được miếng cơm nào vào bụng.
  Đợi mẹ ăn xong, Lưu Cương nhìn xuống đôi chân sưng đỏ, nứt bao vết máu của mẹ, xót xa hỏi: “Mẹ, chân mẹ sao thế? Giầy của mẹ đâu rồi ạ?” Chưa kịp đợi mẹ trả lời, quản giáo liền tiếp lời: “Vì bác đi bộ nên mới thế, giầy của bác đã bị rách từ trước rồi.”
 
  Đi bộ sao? Từ nhà đến đây phải mất ba bốn trăm dặm, hơn nữa đoạn đường núi rất dài! Lưu Cương từ từ cúi người xuống, khẽ xoa lên đôi chân của mẹ: “Mẹ ơi, sao mẹ không bắt xe tới? Sao mẹ không mua giầy mới?”
  Mẹ vội thu chân vào, nói: “Sao phải bắt xe chứ, đi bộ cũng tốt mà”, mẹ thở dài, “Năm nay lợn bị dịch, mấy con lợn ở nhà đều chết hết,  vụ mùa năm nay thu hoặch cũng kém, còn bố con…..đi khám bệnh…..cũng tốn bao nhiêu tiền…….Bố con mà khỏe thì bố mẹ đã đến thăm con lâu rồi, đừng trách bố mẹ con nhé.”
Anh quản giáo lau nước mắt, lặng lẽ rời đi. Lưu Cương cúi đầu hỏi: “Thế bố con đỡ hơn chưa mẹ?”
Lưu Cương đợi mãi không thấy mẹ trả lời, vừa ngẩng đầu lên đã thấy mẹ đang lau nước mắt, mẹ nói: “Cát bụi hết cả vào mắt i, con hỏi bố con à? Bố con sắp khỏi rồi…..Bố con bảo với mẹ là nói với con là đừng lo gì cho ông ấy, cố gắng mà cải tạo con ạ.”
  Thời gian thăm phạm nhân đã hết. Quản giáo đi đến, trong tay cầm một ít tiền, nói: “Bác à, đây là chút tấm lòng của quản giáo chúng con, bác không thể đi chân trần về được bác à, nếu không, Lưu Cương sẽ đau lòng lắm ạ!”
  Mẹ Tiểu Cương xua tay, nói: “Sao thế được, con bác vẫn còn ở đây, các cháu cũng đủ vất vả lắm rồi, bác còn cầm tiền của các cháu thì tổn thọ cho bác lắm!”
Anh quản giáo run run giọng nói: “Phận làm con đã không những không cho bố mẹ được hưởng phúc, lại bắt bố mẹ già cả phải lo lắng suy nghĩ, để bác đi chân đất  mấy trăm dặm đến đây, nếu lại để bác đi chân trần về, thì thử hỏi người con này có còn là người nữa không bác?”
Lưu Cương không thể nói lại được gì, hét như xé giọng: “Mẹ!” Sau đó không nói thêm gì nữa, bên ngoài cửa sổ là tiếng khóc thút thít, anh quản giáo phải lùa đám phạm nhân đang lao động cải tạo ra chỗ khác.
Lúc này, có một người giám ngục bước vào phòng, cố tình lảng sang chủ đề khác: “Thôi đừng khóc nữa, mẹ đến thăm con trai là chuyện vui, đáng ra phải cười mới đúng, để tôi xem bác mang đồ gì ngon đến nào.” Vừa nói, người giám ngục vừa cầm ngược bao tải xuống. Mẹ Lưu Cương không kịp chặn lại. Mọi thứ ở trong bao rơi ra ngoài. Ngay lúc ấy, tất cả mọi người có mặt đều lặng người đi.
Bao tải thứ nhất bị rơi ra, toàn là bánh bao, bánh nướng bị nứt toác thành bốn, năm mảnh, cứng như đá, không cái nào giống cái nào. Không cần nói cũng biết đây là đồ mẹ Lưu Cương đi ăn xin trên đường. Mẹ Lưu Cương lúng túng, hai tay túm lấy góc áo, nói: “Con ạ, đừng trách mẹ đã làm như vậy, quả thật là ở nhà không còn thứ gì có thể mang đi được nữa….”
  Lưu Cương hình như không nghe thấy gì, chỉ chăm chăm nhìn vào chiếc bao tải thứ hai, đó là một hộp tro cốt! Lưu Cương đứng ngẩn người, hỏi: “Mẹ, đây là cái gì thế mẹ?” Mẹ Lưu Cương thất thần, hốt hoảng, giơ tay ra ôm chặt lấy chiếc hộp: “Không….không có gì đâu con…..” Lưu Cương giành lấy như phát điên, toàn thân run lên bần bật: “Mẹ, đây là cái gì?!”
  Mẹ Lưu Cương ngồi phệt xuống như người mất hết sức lực, mái tóc bạc khẽ lay động. Một lúc sau, bà mới gắng gượng, nói: “Đấy là…bố con! Vì gom góp tiền đến thăm con, bố con đi làm quần quật không kể ngày đêm, bố con bị ngã gục vì suy nhược. Trước khi chết, ông ấy nói khi còn sống không đến thăm con được, ông ấy rất buồn, sau khi chết nhất định phải đưa ông ấy đến thăm con, ông ấy muốn nhìn con lần cuối…”
  Lưu Cương gào lên một tiếng như xé lòng xé ruột: “Bố, con sẽ thay đổi…” Nói rồi, anh quỳ sụp xuống, va mạnh đầu xuống đất. Bên ngoài phòng thăm phạm nhân, phạm nhân lần lượt quỳ rạp xuống đất, tiếng khóc thảm thiết vang đến tận đến trời xanh……
                                                                    TDV (sưu tầm)

Vu Lan

Tháng bảy mưa ngâu 
Tại sao là nước mắt của uyên ương 
Tôi nghe như nước mắt của những người con mất mẹ 

Khóc! 
Ai cấm không. 
Xin một lần để lòng trầm những trào dâng lắng đọng 
Là suối mát mẹ không còn nữa
Là chăn bông cũng đã qua rồi 
Nhịp đời chông chênh 
Ánh mắt dõi theo nóng hổi nhịp lòng 
Bao san sẻ, bao trìu mến, bao đỡ nâng động viên tiến bước 
Chốc tan hoang trống trải một cõi hồn

Kia bông hồng người ta cài lên áo 
Tôi thầm mơ …

Nắng lụi dần in dáng tôi bất động 
Mẹ đi xa như hoàng hôn chìm xuống 
Còn giữa đời 
Tôi vắng một lời ru.

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

THƯ GIẢN CUỐI TUẦN

Bạn hãy nhìn vào chấm tròn trên mũi trong vòng 30 giây ( đừng nháy mắt ) sau đó di chuyển mắt vào khoảng trống bên cạnh ( dưới mũi tên ) : Who ?

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

THU HÁT CHO NGƯỜI

Tôi viết Thu,hát cho người

 Thuở ấy, tôi hai mươi tuổi. Tháng 9, mùa thu, tôi trở về quê nhà Quảng Nam, cầm cây đàn guitar lên đồi sim xưa. Người bạn nghèo thời trung học của tôi không còn nữa, chỉ còn đây khu đền tháp với những nàng Apsara lặng lẽ nhảy múa ngàn năm.
ác giả Vũ Đức Sao Biển năm 1970, tại Bạc Liêu
Tác giả Vũ Đức Sao Biển năm 1970, tại Bạc Liêu
Thuở ấy, tâm hồn tôi trong sáng lắm, cứ y như dòng suối trong vắt êm đềm xuôi chảy dưới chân đồi. Mùa thu, hoa sim tím nở như một tấu khúc dịu dàng. Hoa sim, cái màu hoa tím nhạt lãng mạn, bình dị giữa thu vàng sao mà gợi nhớ đến thế. Tôi nhớ hoa, nhớ người. Và úp mặt sau thùng đàn làm bàn, tôi đặt tờ giấy kẻ nhạc lên, viết Thu, hát cho người.
Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa.
Bản tình ca thuở đôi mươi bắt đầu với hai câu hỏi tu từ như thế. Hỏi để mà hỏi với chính mình và biết rằng không có câu trả lời. Cái tựa ca khúc là Thu, hát cho người thật ra là hát cho chính mình, hát với mùa sim, tháp cổ, dòng sông.
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ.
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ.
Bài Hoàng hạc lâu của thi sĩ Thôi Hiệu có câu “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” (Hạc vàng bay một lần là không trở lại nữa). Tôi lấy ý thơ của người xưa để nói đến bạn mình. Ca từ như một tiên tri định mệnh; chúng tôi chẳng bao giờ được gặp lại nhau. Sao mà trùng lặp với câu thơ của Guillaume Apollinaire từng viết “nous ne nous verrons plus sur terre” (Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa. Mộng trùng lai không có trên đời - Bùi Giáng dịch).
Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó.
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư.
 Hai câu này làm lắm người thắc mắc. Năm 2007, nhà văn Sơn Nam từng “phê bình” tôi: “Mày nói dóc. Cây sim ngoài Quảng Nam của mày thấp tịt, vậy mày ngồi chỗ nào để đợi con nhỏ đó? Mà cái đồi sim thì trống huơ trống hoác, con nhỏ đó có đến thì mày mần ăn được gì?”. Nhiều người cũng có thắc mắc tương tự như ông già Nam Bộ.

Thực ra, cây sim già không nhỏ, đặc biệt là khi mọc trên đồi cát. Có cây cao vài ba mét, tỏa bóng mát quanh năm. Và như tôi đã nói, thuở ấy lòng tôi trong sáng lắm cho nên tôi cũng chẳng bao giờ dám nghĩ tới hai chữ “mần ăn” thông thường vốn thuộc phạm trù hình nhi hạ!

Bài hát thoáng một chút suy nghĩ rất Lão - Trang về số phận con người, tình yêu và sự xa biệt:
Thời gian nào trôi bồng bềnh trên phận người.
Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi.
Mùa vàng lên biêng biếc bóng chiều rơi.
Nhạc hoài mong ta hát vì xa người.
Vẫn là những câu hỏi tu từ không có lời đáp. Ngay khi viết xong, tôi đã hình dung được đây là một bài tình ca hay của đời mình. Bài hát Thu, hát cho người được đưa cho ca sĩ Hà Thanh, 2 tuần sau được hát trên Đài Phát thanh Sài Gòn bởi hai danh ca Hà Thanh và Anh Ngọc; sau đó là Phượng Bằng, Mai Hương, Quỳnh Dao, Kim Tước, Vân Quỳnh, Vân Hà, Ngọc Long... Bài hát nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Cho đến bây giờ đã là 43 năm, Thu, hát cho người đã được đặt tên cho rất nhiều chương trình âm nhạc mùa thu hằng năm.

Thời đôi mươi, tôi để lại cho cuộc sống và bạn yêu nhạc Thu, hát cho người, Chiều mơ, Tiếng hát trên đồi Tăng Nhơn Phú. Thời  năm mươi, sáu mươi, tôi để lại Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang, Đường về, Mùa Xuân hát trên ngọn cây tùng, Xuân ca vô tận. Điều lạ lùng là càng về già, âm nhạc của tôi càng vui lên.

Với đời tôi, Thu, hát cho người là một dấu ấn đẹp, thậm chí còn tạo nên những giai thoại, huyền thoại. Tôi thầm nghĩ 143 chữ trong bản tình ca đó là những viên ngọc quý...
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (NLĐO)

 

HOẠT ĐỘNG TRONG THÁNG

Các bạn thân mến !
Vào khoảng cuối tháng 7 vừa qua trong một dịp đi làm từ thiện tại trung tâm điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam tại xã Tam Ngọc TP Tam Kỳ tình cờ Võ Hồng Dũng gặp được bệnh nhân cũng là bạn học cũ của chúng ta : Lê Quang Tuấn ( cựu HSTCV khóa 75-78 ) đang điều trị tại đây.
Qua cuộc điện thoại  về cuộc gặp gỡ đó của VHD, đại diện ban liên lạc cựu HSTCV khóa 75-78 tại TPHCM có chia sẻ cùng các bạn qua trang blog của chi hội về hoàn cảnh của bạn LQT và đã đón nhận sự đồng cảm của các bạn : Lã Trọng Thanh, Nguyễn Văn Biên, Trần Trọng Tuấn, Vũ Quốc Bảo, Nguyễn Thị Quỳnh Yến với tổng số tiền là 1.600.000 đồng. Bạn Thu Hương cách xa chúng ta nửa vòng trái đất từ đất nước Hoa Kỳ cũng chia sẻ 100USD trên tinh thần bằng hữu.
Hôm nay 10/8 bạn VHD về lại Tam Kỳ sau một tuần đi công tác tại TPHCM đã được ban liên lạc cựu HSTCV bàn giao số tiền nêu trên mang về và sẽ phối hợp cùng một số bạn tại Tam Kỳ tổ chức thăm viếng, trao quà cho LQT và các bệnh nhân trung tâm trong một ngày sắp tới.
Thay mặt ban liên lạc chân thành cảm ơn tất cả mọi người
Vì cuộc vận động này chỉ phổ biến trên trang blog nên có thể một số bạn bè không cập nhật kịp nhưng không sao chúng ta là một sợi dây thân ái của một tập thể chung nên mọi việc làm dù lớn hay nhỏ, nhiều hay ít cũng mang tính cộng đồng. 
Đây là hình ảnh của trung tâm điều dưỡng bệnh tâm thần Quãng Nam nơi mà LQT đang điều trị.
                                                                                                                 
                                                                                                                                       Bê ta

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

HÚT THUỐC CÓ HAI SỨC KHỎE !!!

Thuốc chưa tàn mà đời đã tàn...
                                                  Có phải dzậy không ta ???

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Sưu tầm chương trình trò chơi xếp số.
Hữu Loan và Màu Tím Hoa Sim

      Nói đến bài Màu Tím Hoa Sim, người viết nhờ đến cách đây hơn 5 năm, bài thơ này đã đuợc Giáo sư Thomas D Lê dịch sang Anh ngữ và phổ biến trên trang nhà Le World vào cuối tháng 11 năm 2004. Nhưng chỉ trong vòng hai tuần tin một doanh nhân ở Việt Nam đã mua đứt bản quyền bài thơ nên bản dịch sau đó đã đuợc chính chủ nhân Le World xóa bỏ ra khỏi trang Le World, dù ông LVC, người mua bản quyền bài thơ đã xác định là vì bài thơ dịch đã hoàn tất trước khi hợp đồng hoàn tất nên không có vấn đề chi. Mọi nỗ lực gửi bài thơ dịch đến ông Hữu Loan cũng không thành công.
     Năm năm đã trôi qua, nhà thơ Hữu Loan đã ra đi, bài thơ dịch sang Anh ngữ đã được chính chủ nhân bản dịch mang phổ biến trở lại.
Màu tím hoa sim
(Khóc vợ Lê Đỗ-thị-Ninh)
 Nàng có 3 người anh
đi bộ đội
những em nàng
có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh Tôi người vệ quốc quân
xa gia đình
yêu nàng
như tình yêu em gái
ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giầy đinh bết
bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
cưới nhau xong là đi
*
Từ chiến khu xa
nhớ về ái ngại
lấy chồng đời chiến binh
mấy người đi trở lại
nhỡ khi mình không về
thì thương người
vợ chờ
bé bỏng
chiều quê
*
Nhưng không chết
người trai khói lửa
mà chết người
gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
má tôi ngồi bên mộ con
đầy bóng tối
chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương tàn lạnh
vây quanh
*
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi ! giây phút cuối
không được nghe nhau nói
Không được trông nhau một lần
*
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa đèn khuya bóng nhỏ
nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa ... !
*
Một chiều rừng mưa
ba người anh,
từ chiến trường Đông Bắc
biết tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về
rờn rợn nước sông
đứa em nhỏ nhớn lên
ngỡ ngàng
nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng
chân mộ chí
* * *
Chiều hành quân
qua những đồi hoa sim
những đồi hoa sim
những đồi hoa sim
dài
trong chiều không hết
màu tím hoa sim
tím
chiều hoang biền biệt
* * *
Có ai hát như từ chiều
ca dao nào
xưa xa
"Áo anh sứt chỉ đường tà
vợ anh chưa có
mẹ già chưa khâu"
* * *
Ai hát vô tình hay
ác ý với nhau
chiều hoang tím
có chiều hoang biết
chiều hoang tím
tím thêm màu da diết
nhìn áo rách vai
tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà,
vợ anh mất sớm...
* * *
Màu tím hoa sim
tím tình tang
lệ rớm...
* * *
Ráng vàng ma và
sừng rúc điệu quân hành
vang vọng chập chờn
theo bóng những binh đoàn
biền biệt hành binh
vào thăm thẳm
chiều hoang màu tím
* * *
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ
dù lâu...
(Hữu Loan 1949) Hữu Loan

     Hữu Loan lấy cô Lê Đỗ Thị Ninh ngày 6 tháng 2, 1948.
Hữu Loan đuợc tin cô Ninh chết vì tai nạn ngày 29 tháng 5, 1948.
Hũu Loan làm bài thơ Màu Tím Hoa Sim vào có lẽ vào những tháng đầu của năm 1949.
Nguyễn Bính phổ biến bài thơ Màu Tím Hoa Sim trên báo Trăm Hoa ở Hà-nội vào năm 1956. Dưới đây là phần trích dẫn bài viết của Violet và Trịnh Hưng đăng trên Vietcyber nói về thời gian Hữu Loan lấy vợ và lý do Hữu Loan gọi mẹ cô Ninh là "má" thay vì là "mẹ". Vì sao có bài Màu Tím Hoa Sim
Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916 tại thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Nhà nghèo nhưng chăm học nên ông đỗ được bằng tú tài 1, sau đi dạy ở các trường tư thục để mưu sinh.
    Ông tham gia cách mạng từ năm 1936, sau được điều lên làm Uỷ viên văn hoá trong Uỷ ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa.
    Từ những ngày đầu kháng chiến, ông phụ trách tờ báo chiến sĩ của Quân khu 4. Năm 1954 tiếp quản thủ đô, ông được mời ra làm trong ban biên tập văn nghệ.
Bài thơ "Màu tím hoa sim" được Hữu Loan viết năm 1949. Bài thơ tuy chỉ kể chuyện riêng của một người mà hình ảnh và mỹ cảm lại thoát ra khỏi "cái tôi" để đến với nhiều người, tạo nên sự đồng cảm sâu xa, chan hoà trong thế giới tâm linh huyền diệu.
     Vào khoảng năm 1937-1938, cậu học trò Hữu Loan rời quê lên tỉnh, học tại trường trung học ở thị xã Thanh Hóa. Tại đây, Hữu Loan làm gia sư tại nhà ông Lê đỗ Kỳ, Tổng thanh tra nông lâm Đông Dương, về sau là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vợ ông Kỳ, bà Đới Thị Ngọc Chất, rất thương yêu Hữu Loan nên nhận làm con nuôi. Còn cô học trò nhỏ Lê Đỗ Thị Ninh lúc đó mới 8 tuổi, kém thầy chừng 13-14 tuổi, rất mến thầy và luôn quấn quít bên thầy.
...
    Năm 1941 Hữu Loan lên Hà Nội thi đỗ bán phần tú tài rồi trở về Thanh Hóa dạy hoc. Năm 1947, trong buổi họp khai mạc "Tuần lể vàng", Hữu Loan đọc một bài diễn văn hùng hồn kêu gọi lòng yêu nườc và hy sinh của toàn dân, cô Ninh từ trong hàng ngũ bước ra tháo bỏ vòng xuyến để quyên góp cho chính phủ.
    Sau đó Hữu Loan nhập ngũ, phụ trách báo chiến sĩ và vẫn đươc coi như con cái trong nhà ông Kỳ, bà Chất, thỉnh thoảng vẫn đi về thăm cha mẹ nuôi và "em nuôi". Thế rồi tình yêu của Loan đối với cô Ninh chợt đến lúc nào không hay và cha mẹ cô Ninh cũng vun vén vào cho đôi trẻ. Ngày 6-2-1948 một đám cưới đơn giản giữa anh chàng Vệ quốc quân và cô "em nuôi" được tổ chức trong sự vui mừng và tình thân yêu của gia đình và bè bạn...
    Ngày 29-5-1948, khi đang là Trưởng ban tuyên huấn của Sư đoàn 304 đóng ở Thọ Xuân, Thanh Hoá, Hữu Loan bỗng được tin sét đánh: Cô Lê Đỗ Thị Ninh đã chết! Nhà thơ Vũ Cao kể: "Tôi còn nhớ cái buổi cách đây đã hơn 40 năm, ngồi trong một quán nhỏ ở Thanh Hóa, anh (Hữu Loan) báo cho tôi biết cái tin đột ngột: Ninh vừa mất. Bàn tay anh cầm cốc nước run lên bần bật, nước bắn tung toé xuống bàn, mặt anh tái xanh.
...
     Cái tin sét đánh ấy khiến Nguyễn Hữu Loan tan nát cõi lòng. Nỗi đau dồn nén ấy sang năm sau -1949- thì chín muồi để bật thành lời, thành một bài thơ bất tử.
...
Bài thơ được Hữu Loan cất mãi trong túi áo, cho đến một hôm, Vũ Tiến Đức, biên tập cũ của Hữu Loan, tình cờ lấy được, đem đọc cho bè bạn, cho bà Ngọc Chất nghe, thế là bài thơ được phổ biến nhanh chóng. Về sau Nguyễn Bính đem bài thơ ấy đăng lên báo Trăm Hoa ở Hà Nội (1956) mà tác giả không hề hay biết.
(trích một phần trong bài viết của Violet đăng trong Vietcyber) Tôi chỉ gặp Hữu Loan có một lần khoảng năm 1992, 1993. Anh cùng tôi đến dự cuộc họp mặt văn nghệ ở nhà một người bạn. Tôi thấy anh vui vẻ, hay cười nhưng không nói nhiều, không tranh nói, không muốn làm người nổi nhất đám, anh em hỏi gì anh mới nói. Tối ấy tôi nhớ anh nói hai chuyện:
một: bà mẹ vợ anh là người Nam, ông Kỳ vào làm việc trong Nam và cưới bà, nên trong Thơ anh "Má tôi ngồi bên mộ con.." chứ không phải "Mẹ tôi..",
hai: khi bài thơ Mầu Tím Hoa Sim được phổ biến trong quân đội, anh bị kiểm thảo vì bài thơ làm mất tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, anh kể trong những cuộc họp, anh bị nhiều văn nghệ sĩ -- như Tô Vũ -- chỉ trích kịch liệt, tối ngủ, chính mấy kẻ chỉ trích anh nặng lời nhất lại mò đến chỗ anh nằm, khều anh, nói nhỏ:" Loan ơi..Thơ mày hay quá. Đọc cho tao chép.." (trích trong bài viết của Trịnh Hưng đăng trong Vietcyber) Trong Thi Ca Tình Sử Việt Nam, có lẽ mối tình của Hữu Loan sẽ sống mãi với thời gian.
 
                                                           T.D.V ( sưu tầm)

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

CẢM XÚC

Hôm qua chủ nhật 05/8 TTT đã chở Võ Hồng Dũng ( từ Tam Kỳ mới vào Sài Gòn ) ghé thăm gia đình Huỳnh Bá Công và gia đình Mã Phúc Ánh- Thùy Hương. Tại đây chúng tôi gặp gỡ cô Bá ( tên thường gọi ) mẹ của Thùy Hương, năm nay cô đã trên 70 tuổi tuy sức khỏe có phần giảm sút nhưng tinh thần rất lạc quan, vui vẻ, yêu đời...Được biết cô cũng rất quan tâm bạn bè của " con gái rượu" và đặc biệt có theo dõi tin tức trang blog của khối lớp mình. Trước lúc ra về cô có tặng TTT 2 bài thơ do chính cô sáng tác, mời các bạn cùng đọc để chiêm nghiệm rằng thơ không có tuổi và cảm nhận được hồn thơ của cô lai láng biết dường nào...


BẢY MƯƠI NĂM CUỘC ĐỜI
Năm nay tuổi đã bảy mươi
Nhìn lại trong gương nhếch nụ cười
Nếp nhăn trên trán từng gợn sóng
Mắt đã mờ dần tóc bạc phơ
Đêm nằm trăn trở người đau nhức
Biết tỏ cùng ai để đợi chờ


LÁ TRẦU XANH

Thân em như lá trầu xanh
Không mua không bán lại để dành
Đến nay trầu đã vàng lá úa
Đêm nằm thao thức suốt năm canh







Để cảm ơn những dòng thơ trăn trở chân tình của cô, con xin tặng cô một bài thơ vui để minh chứng rằng ở tuổi cô vẫn còn tràn trề sức sống và chúc tâm hồn cô tươi trẻ mãi...


DÒNG ĐỜI

Bảy mươi chưa phải là già
Bảy mươi là tuổi mới qua dậy thì
Bảy lăm hết tuổi thiếu nhi
Tám mươi là tuổi mới đi vào đời
Tám lăm là tuổi ăn chơi
Chín mươi là tuổi yêu đời yêu hoa
Chín lăm mới bắt đầu già
Đêm đêm vẫn cứ mặn mà yêu đương
Một trăm nhận lệnh diêm vương
Cứ ở dưới ấy yêu thương hẹn hò
Bao giờ gian thế hết trò
Từ từ nằm xuống âu lo chi đời

                      Bê ta 

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

GIỚI THIỆU MỘT BLOGGER MỚI

 Đây là bài viết của bạn Võ Hồng Dũng nhân ngày Valentine năm 2012. Xin post cho các bạn cùng thưởng lãm
NẮNG VỠ BÊN SÔNG
Ngày 12/02/2012
Vũ Hướng Dương




               Những chiếc lá như ngủ quên giữa nắng ấm mùa xuân, tôi ngồi nhìn vài tia nắng vàng nhợt nhạt lăn tròn trên bãi cỏ ven sông, dòng sông vừa mới thức dậy sau tháng ngày đông ảm đạm để đón người bạn cũ vừa tìm về sau những ngày lang thang khắp mọi miền. Hàng cây bên bờ đã điểm thêm những chiếc lá xuân xanh mướt, lá nhỏ nên không thể đung đưa theo gió, nhìn cành cây trơ trọi vươn giữa bầu trời, tôi cảm nhận được sức sống của mùa xuân, thật mãnh liệt. Thật ra, trước đây tôi cũng đã một lần trở về vùng đất này, một lần trở về cùng cơn lũ. Cả ngôi làng rộng lớn bỗng trở nên một dòng sông vĩ đại, không còn thấy những cánh đồng mênh mông, những mái nhà tranh đẫm màu mưa nắng đến xám xịt mà bốn bề chỉ một dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy. Lúc ấy, tuổi thơ tôi bổng bị cuốn theo dòng nước lũ, những tháng ngày chơi lò cò dưới mái trường tiểu học bỗng trở nên xa lắc, thậm chí cả những lần bắn bi cùng cô giáo trẻ mới về trường cũng không làm cho tôi một lần xúc động... Ký ức tuổi thơ bị xếp lại trước vô vàn khó khăn cuộc sống, mỗi lần trở về như vậy chỉ làm cho lòng tôi thêm trĩu nặng về một vùng quê còn nhiều vất vả, thương cho những tháng ngày đi qua vội vã...
Rồi hôm nay, trong một ngày đầu xuân, tôi lại ngồi đây, bên dòng sông của tháng ngày thơ ấu. Mái trường xưa bây giờ đã không còn, trên bãi đất trống đâu đây còn sót lại một vài viên gạch cũ, chắc là của một mảnh tường xưa rơi rớt khi người ta phá bỏ. Tôi đã thấy ngôi trường mới, nó thật đẹp và khang trang. Nhưng sao bên cạnh cái hình hài to lớn ấy, tôi vẫn không tìm thấy một chút gì của những năm tháng làm học trò, quần xanh áo trắng, thật vô tư bên trang giấy... Có thể là xúc cảm của tôi đã không còn nhạy bén để đón nhận một cái không gian mới mẻ, ngọt ngào hơn. Có thể là ký ức của một thời hồn nhiên đã ngăn bước không cho tôi tìm đến những bóng hình ở thì hiện tại. Và cũng có thể, trong dòng thời gian đang chảy, giữa bao người, tôi chỉ là một bóng nhỏ nhạt mờ sau những ánh đèn rực rỡ, lung linh chói sáng.
Tôi lại tìm về dòng sông. Dòng sông ấy bao đời vẫn không chút đổi thay. Cũng cây cầu đã gãy nằm chơ vơ giữa tháng ngày mưa nắng, cũng con thuyền nhỏ ngày ngủ đêm thức của người làm nghề đánh cá, cũng những hàng cây sưa rụng đầy những bông hoa tí xíu trái ngược với thân hình to lớn của mình, bông hoa thơm ngát về đêm, nhất là những đêm hè trăng sáng... Tôi lại nhớ cô bé ấy. Cô bé, vâng cô bé của tôi với đôi mắt đen, to và mái tóc vừa ngang vai cùng tôi lẳng lặng ngồi nghe dòng sông chầm chậm chảy nhẹ như một kẻ lười biếng thường ngủ quên giữa những ngày nắng đẹp. Cái ngày ấy vậy mà đã xa, nhưng bây giờ tôi lại cứ nghĩ như mới hôm qua đây. Bao năm rồi, cũng lối nhỏ đấy, chắc cũng đã có hàng triệu bước chân đi qua mà sao như còn lãng vãng dấu bước của một người con gái tôi yêu. Cái lối mòn, và cả hòn đá xanh rêu tự bao giờ, suốt cả năm tháng dài đợi chờ như một người có thừa sự kiên nhẫn để mặc cho thời gian thử thách.
Có hạt nắng nào ngã dài trên dòng sông yên lặng, sóng vỗ nhẹ vào bờ nghe vui tai như một giai điệu cuộc sống. Em kể với tôi về một người bạn trai, gọi là bạn nhưng lại lớn tuổi hơn em, đã từng thầm yêu em từ năm 16 tuổi. Ờ, cái tuổi cũng đẹp đấy chứ, tôi thì thầm bảo. Cô bé nũng nịu, anh chỉ thích đùa, nhưng em không thích anh ta, còn anh ta thì nói rằng đã chờ em bao nhiêu năm rồi. Có giọt nắng nào lại nhảy nhót trong mắt em vậy, những tia nắng lấp lánh như một vì sao giữa ban ngày, vì sao ấy vội nhảy vào một cơn sóng nhỏ của dòng sông rồi lẳng lặng tan biến đi. Tôi hỏi em, em có hỏi anh ta vì sao bao nhiêu năm nay không yêu một người khác mà chỉ yêu mình em không. Cô bé trả lời không biết. Tôi lại hỏi, vậy em có yêu anh ta không, cô bé lắc đầu. Cái lắc đầu làm rung rinh những chiếc lá non trên cành cây mới nhú, một ngọn gió nào thổi ngang mái tóc mượt mà, thoang thoảng một mùi hương bồ kết đâu đây. Hiện tại, em còn phải lo học. Ờ nhỉ, tôi cũng quên rằng em vẫn còn dang dở Đại học, những tháng ngày mà tôi cũng vừa trải qua. Tôi cũng vậy, cũng từng quan niệm, giờ nào việc nấy. Suốt những năm tháng Đại học, tôi như con mọt sách chỉ biết cắm đầu học, học để bù lại những tháng năm thiếu thốn kiến thức của mình, học để mong rằng mai sau có được một chút vốn sống giữa bể đời vốn dĩ bao la. Vậy em có nói với anh ta chưa. Nói rồi, nhưng thấy buồn. Rồi anh ta sẽ hiểu. Em mong vậy.
Cái không gian lặng im lại trở về bên dòng sông, ngồi cạnh chúng tôi, bên bãi cỏ xanh vừa ấm nắng mùa xuân. Tôi không biết khuyên em thế nào, mà cũng không thể nói những gì mình suy nghĩ. Có ngọn gió nào đi qua từng khe lá nhỏ trên cao, nó thì thầm với ai không biết nữa, rồi vội vàng bay đi đâu mất, chắc là cuốn gót vội cuối con đường xa tắp. Em nhìn tôi, đôi mắt muốn nói lên điều gì nhỉ, ai mà biết được, dẫu rằng tôi nhận được rất nhiều thương yêu từ đôi mắt ấy, đôi mắt rủ cả những sợi tơ vàng và dòng sông tràn về trong một chiều nắng, làm vỡ tan từng mảng lá xanh trên hàng cây đang ngã bóng.
Chúng tôi ngồi nghe con sóng nhỏ thì thầm cùng nhau giữa dòng sông bạt nắng, chắc chúng cũng như chúng tôi, đang có những bí mật của riêng mình. Em hỏi tôi, anh sẽ làm gì. Tôi nói với em, chúng ta là hai lối nhỏ trên đường phục sự Chúa, anh là kẻ thích lang thang, là một kẻ ham chơi, nhưng Chúa vẫn thương và cho anh một lối mòn. Em cũng vậy, cô bé cười nheo mũi, em sẽ cố gắng theo bước anh, nhưng con gái thì không đi xa được nhiều nên em sẽ chỉ huy anh. Có con ong nào đâu đây nhỉ, hãy chích cho kẻ hay chọc phá này một cái. Không gian như vỡ tan ra trong những hạt nắng, tiếng cười lan đến cả nụ mầm non trên cao, tôi cũng nheo mũi lại nhìn em, ờ cũng được, chỉ huy phải trả lương cho người làm...
Cánh cửa một ngày rồi cũng dần khép. Buổi chiều đó có lẽ là buổi chiều đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi, không nói một lời nào, chúng tôi cùng chậm bước trên con đường dọc bờ sông hoang vắng. Dòng sông cũng đã cuộn mình đi ngủ, thời gian vội vã bước đi làm lòng tôi trĩu nặng. Tôi không biết thời gian có chờ đợi chúng tôi môt chút xíu không, nhưng những giây phút này thật là quí, ngày mai tôi phải đi, và em, em cũng lại trở về với ngôi trường yêu dấu của mình, cố gắng hoàn thành những hoài bão của cha mẹ, ước vọng của bản thân. Chia tay em, tôi chỉ kịp nắm vội bàn tay, bàn tay nhỏ xíu và mềm mại như một nụ hồng trong sương sớm, cái phút giây ấy theo tôi suốt những năm tháng dài cho đến mãi hôm nay.
Bây giờ, tôi vẫn thầm lặng trên lối nhỏ mà Chúa đã chọn, lang thang trong cuộc hành trình khám phá những miền đất hứa, Cô bé ấy, em tôi, như vẫn còn mãi trong trái tim tôi với nụ cười và ánh mắt trong xanh. Em đã về bên kia bến bờ trước khi được hoàn thành ước nguyện. Không một lần gặp lại, nhưng tôi biết Chúa đang ở cùng em, trò chuyện với em, và tiếng cười trong sáng ấy mãi còn vang vọng cả một thời gian xa lắng. Còn tôi, tôi vẫn mãi độc hành trong niềm thương nhớ, và hành trang lên đường mỗi ngày luôn có ước mơ của em...
                                                                     Vũ Hướng Dương
 



                                                                           (Để nhớ một ngày tháng2 )

THƯ GIÃN CUỐI TUẦN

                            Thấy rồi đó nghe !!!


 

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

NGÀY 3 THÁNG 8


Ngày 8 tháng 3 hằng năm là ngày tôn vinh mấy chị em phụ nữ, phần lớn ngày ấy phái đẹp được những người thân, bạn bè, các đức lang quân dành cho mọi sự ưu ái nhất : Có thể là một món quà, hay một lẵng hoa chúc mừng, ít ra cũng sẽ là một cành hoa "súng"...
 Bản thân tôi là một người thích nói lái từ khi còn rất nhỏ, cho nên hôm nay ngày 3 tháng 8 tôi muốn chọn ngày này là ngày " Quốc tế phụ nam " mong có được nhiều bạn là đồng minh và mong nhận được nhiều lời chúc mừng từ quý chị em phụ nữ ...


                                                    BÊ TA
                         ( Lái lại là BA TÊ : TTT Trần Trọng Tuấn)

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

          buồn....Chích..Chơi..hihihihi!!!
*Người ta dùng thời gian để kiếm tiền ......rồi lại dùng tiền để đốt thời gian
*Trong cuộc sống,có những thứ to lớn hơn tiền, như hoá đơn tính tiền chẳng hạn...
*Ai cũng giữ lời hứa nếu họ còn nhớ mình đã hứa những gì.
 Cách tốt nhất để giữ lời hứa là đ­­­ừng hứa gì cả!

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

HAI CHỮ NHẪN VÀ TÂM

Nhẫn một chút sóng yên gió lặng
Một bước lùi biển rộng trời cao
                                                          Thiện căn ở tại lòng ta
                                                 Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài

Ở VN thuở xưa, vào mỗi dịp xuân về, người dân hay đến nhà những " Thầy Đồ " để xin chữ về treo như một bức tranh , vừa là món đồ trang trí  nhưng cũng vừa là món ăn tinh thần. Thầy đồ cho chữ bằng cách viết một hay nhiều chữ trên một tờ giấy lớn, với nội dung mang tính cách chúc tụng hay giáo dục, nét chữ thường được khen là đẹp như rồng bay phượng múa. Nghệ thuật đó được gọi là Thư Pháp.
Nhưng đã nói nghệ thuật thì người chơi phải có tâm hồn và phải hiểu biết. Chuyện xưa kể rằng có một anh chàng trưởng giả học làm sang nằng nặc nhờ thầy cho hai chữ Nhẫn và Tâm để mang về treo nơi phòng khách thể hiện mình là người am hiểu thư pháp. Nhưng ngặt nổi chàng ta treo hai chữ ấy liền nhau ( như hình minh họa trên ) thay vì phải treo đối xứng, hoặc rời nhau khiến cho nội dung trở nên phản tác dụng NHẪN TÂM
Thế người đời thường bảo nghề chơi cũng lắm công phu là vậy !!!
                                                                                Bê Ta